Với cách làm sáng tạo là gắn xóa nhà dột nát với công tác giảm nghèo và kêu gọi, huy động được sự chung sức của cả cộng đồng, nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều ngôi nhà dột nát đã được thay thế bằng những ngôi nhà mái ngói, mái bằng khang trang, kiên cố. Vui nhất là Tết Kỷ Sửu này, nhiều hộ nghèo được đón Tết trong những ngôi nhà mới ấm áp tình "tương thân, tương ái"…
Nhân lên niềm vui cho nhiều hộ nghèo
Được ở trong ngôi nhà mái ngói 2 gian có diện tích khoảng 20 m2 khang trang, vững chắc vừa hoàn thành, bà Nguyễn Thị Sót ở thôn 1, xã Đông Sơn vẫn tưởng mình nằm mơ.
Cả hai vợ chồng bà tuổi mới ngoài 50 nhưng đều bị bệnh và tàn tật nên trong ước mơ nhỏ nhoi của mình, cả ông và bà chỉ mong hàng ngày kiếm đủ ăn, chưa bao giờ dám nghĩ đến xây cho riêng mình một ngôi nhà kiên cố, dù là nhỏ.
Khi Đề án 02 của HĐND tỉnh được triển khai về địa phương, gia đình bà và 8 gia đình nghèo, hộ chính sách có nhà dột nát được bà con trong thôn, trong xã bình xét và đề nghị đưa vào danh sách sửa chữa nhà.
Được hỗ trợ kinh phí sửa nhà là 12,5 triệu đồng, bà Sót lo lắm vì cả đời bà chưa bao giờ được sở hữu số tiền lớn như vậy. Thêm nữa, là phụ nữ nên việc nhà cửa bà chưa biết xoay xở thế nào vì người đàn ông "trụ cột" trong gia đình bị ốm đau, tàn tật. Nhưng bà Sót không phải lo lắng lâu vì việc sửa chữa nhà cho gia đình bà đã được cấp ủy, chính quyền xã và Ban công tác mặt trận thôn chuẩn bị chu đáo, lên kế hoạch cụ thể.
Ngày khởi công, hội viên, đoàn viên các đoàn thể của thôn đến giúp dỡ nhà, vận chuyển vật liệu… Anh em họ hàng cũng "xúm" vào giúp đỡ thêm ngày công, kinh phí, một số đại lý bán nguyên, vật liệu thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng cho chậm trả…
Từ sự chung tay giúp đỡ của tỉnh, của anh em dòng họ, các đoàn thể, ngôi nhà của bà Sót từ sửa chữa chuyển sang xây mới, mái bằng kiên cố trị giá 58 triệu đồng. Trò chuyện với bà, bà giãi bày: Tôi không biết nói như thế nào để cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền đã giúp gia đình tôi có một mái ấm khang trang, kiên cố. Ngôi nhà là niềm hạnh phúc, phấn khởi lớn nhất của gia đình tôi. Tết năm nay sẽ là cái tết ý nghĩa nhất đối với gia đình tôi…
Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Sót là 1 trong 35 ngôi nhà thuộc diện hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà dột nát theo Đề án 02 của HĐND tỉnh được thị xã Tam Điệp hoàn thành sớm so với kế hoạch chung của toàn tỉnh.
Cùng với 35 ngôi nhà theo Đề án 02, thị xã Tam Điệp còn xây mới, sửa chữa thêm 9 ngôi nhà cho hộ nghèo từ nguồn kinh phí của các đơn vị quân đội và doanh nghiệp. Các ngôi nhà được xây, sửa với số tiền thấp nhất là 13,5 triệu đồng, cao nhất là 100 triệu đồng. Nhiều nhà được xây mái bằng khang trang, kiên cố, lát gạch đẹp.
Trong lễ khánh thành và bàn giao nhà, cùng với việc đến chia vui, mừng nhà mới với gia chủ, các khu dân cư còn tổ chức giúp gia đình cải tạo vườn tạp, tặng một số vật dụng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày… để mỗi gia đình sau khi có nhà mới, sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Cách làm sáng tạo cần được nhân rộng
Với sự vào cuộc nhanh chóng, cách làm sáng tạo, hiệu quả, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Tam Điệp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể, cá nhân.
Không nhận kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách và quỹ của tỉnh, thị xã đã chuẩn bị nguồn ngân sách là 550 triệu đồng, tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp để vận động ủng hộ. Đặc biệt, nhân lễ khánh thành Nhà văn hóa thị xã, đã có 54 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ số tiền 620 triệu đồng.
Cùng với sự ủng hộ của anh em, gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư, tổng số tiền xóa nhà dột nát trên địa bàn thị xã là 1 tỷ 263 triệu đồng cộng với 1.022 ngày công lao động đã giúp cho các ngôi nhà của hộ nghèo được khởi công và hoàn thành đúng tiến độ.
Sự vào cuộc và tham gia nhiệt tình của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng, sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn thị xã.
Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Việt Thắng là một doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện phong trào. Bà Lê Thị Bích, Giám đốc Doanh nghiệp bày tỏ: Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thị xã Tam Điệp, khi thị xã phát động phong trào xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, doanh nghiệp đã giúp đỡ xây dựng 6 ngôi nhà cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 1 nhà thuộc Đề án 02. Mỗi ngôi nhà được xây mới, sửa chữa có kinh phí từ 17- 25 triệu đồng được doanh nghiệp trực tiếp đứng ra thiết kế, thi công.
Tâm sự với chúng tôi, bà Lê Thị Bích cũng mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng chung tay chia sẻ, giúp đỡ để mỗi hộ nghèo trên địa bàn thị xã có một mái ấm khang trang, vững chắc…
Cả trước, trong và sau quá trình thực hiện việc xây mới, sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo, thị xã Tam Điệp đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đặc biệt, từ việc tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự tham gia của gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư… đến việc chuẩn bị kinh phí, nhân lực, tổ chức bàn giao, khánh thành… đều có sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Phan Hiếu