Theo dự báo của Sở Công thương, nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 15% so với mức tăng bình quân của các tháng trong năm, tăng khoảng 8% so với Tết Nguyên đán năm 2019. Hiện nay, một số doanh nghiệp bán buôn, phân phối lớn trong tỉnh đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết theo đúng kế hoạch, dự kiến lượng dự trữ hàng trị giá tăng khoảng 10% so với năm 2019.
Riêng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi dự kiến chuẩn bị lượng hàng hóa tăng bình quân gần 20% so với năm ngoái, hàng hóa tập trung vào các mặt hàng: lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước mắm, mì tôm, dầu ăn, bia, nước ngọt... Ngoại trừ mặt hàng thịt, các hàng hóa khác năm nay đều có nguồn cung dồi dào, phong phú về chủng loại và hình thức.
Đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: So với Tết năm 2019, năm nay có thêm một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi đưa vào hoạt động, phục vụ cho xu hướng sử dụng sản phẩm thực phẩm an toàn: Vinmart+ đưa vào phục vụ 13 cửa hàng, Liên minh HTX tỉnh và Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ phát triển 22 cửa hàng nông sản an toàn, cùng với cửa hàng rau quả, cửa hàng bán hàng Việt bền vững phân bổ trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết, góp phần bình ổn thị trường.
Điểm đáng lưu ý nhất của thị trường Tết Nguyên đán năm nay là do tác động của bệnh dịch tả lợn châu Phi, thị trường thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn có nhiều biến động. Thiếu hụt về nguồn cung làm giá lợn hơi liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, tuy nhiên mấy ngày gần đây giá lợn hơi chững lại mặc dù không tăng nhưng vẫn đứng ở mức cao khoảng 90.000 đồng/kg.
Theo đó, giá sản phẩm thịt lợn tại các chợ tăng cao từ 160.000- 230.000 đồng/kg, số lượng các quầy hàng bán thịt lợn tại các chợ có hiện tượng giảm và sản lượng bán ra của các quầy hàng giảm đáng kể do giá cao ảnh hưởng đến mức tiêu thụ. Một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm thịt khác nên giá thịt gà, thịt bò tăng nhẹ.
Nhằm chủ động triển khai nhiệm vụ đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, Sở Công thương đã chỉ đạo, đôn đốc các phòng Công thương, Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; các phòng, đơn vị trực thuộc Sở triển khai Kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ của mình nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hàng, hàng hóa tăng giá đột biến, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết.
Công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cơ sở chiết nạp gas, kho xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Khuyến khích động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa Việt Nam có chất lượng và giá cả hợp lý, góp phần hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020 với trên100 điểm bán hàng bình ổn giá, phân bổ tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang.
Các mặt hàng bình ổn giá tập trung vào hàng do Việt Nam sản xuất hợp thị hiếu người tiêu dùng, trong đó chú trọng các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến. Chương trình bình ổn đã thu hút được 6 doanh nghiệp tham gia là các đơn vị phân phối lớn trên địa bàn. Các doanh nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần khoản tiền lãi suất vốn vay ngân hàng để các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát, chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về sở hữu trí tuệ, niêm yết giá.
Trong đó, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: pháo nổ, thuốc lá, các mặt hàng bia, rượu, nước giải khát, quần áo may mặc sẵn, đồ chơi kích động bạo lực, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thủy sản, các cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm...
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin kịp thời về các vụ việc kiểm tra, xử lý điển hình, hướng dẫn khuyến cáo người tiêu dùng trong việc lựa chọn, mua và sử dụng sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Để nhân dân yên tâm đón Tết vui tươi, an toàn, Sở Công thương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các phòng, đơn vị trực thuộc thường xuyên, chủ động theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, trong đó chú trọng mặt hàng thịt và các sản phẩm từ thịt.
Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, các đại lý bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị... để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp điều tiết nhằm bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Nguyễn Thơm