Chị Nguyễn Thu Hương (phường Thanh Bình-thành phố Ninh Bình) cho biết: Vào siêu thị lúc này tôi khá lo lắng vì giá các mặt hàng sẽ tăng. Tuy nhiên, khi mua hàng, tôi nhận thấy mặt bằng giá cả năm nay ổn định, nguồn cung dồi dào; hàng hóa do Việt Nam sản xuất bày bán chiếm số lượng lớn hơn so với hàng ngoại.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Siêu thị Big C, khu vực bãi xe luôn đông nghẹt khách ra vào. Bên trong Siêu thị, lượng người mua sắm tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Dự báo đến ngày 29 Tết còn có thể tăng mạnh hơn. Tại các quầy hàng Tết, người đứng chọn hàng kẹt cứng.
Đặc biệt, các quầy thanh toán luôn trong tình trạng quá tải. Có khách phải chờ cả nửa tiếng mới đến lượt thanh toán. Tại các siêu thị, cửa hàng đại lý lớn trên địa bàn tỉnh hầu hết các mặt hàng vẫn giữ giá. Tại một số chợ truyền thống mặt hàng thực phẩm có sự tăng giá nhẹ từ 5% - 6% như thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng gà; giá rau củ, thủy hải sản nhìn chung ổn định.
Đáng chú ý, năm nay ý thức tiêu dùng của người dân thay đổi đáng kể. Mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, lựa chọn mua những sản phẩm có uy tín, chất lượng như bánh, mứt, kẹo do các công ty trong nước sản xuất. Ngoài ra, để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng có mức sống cao, nhiều nhà phân phối cũng đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng đồ uống, bánh mứt kẹo từ nước ngoài như Nga, Nhật, Pháp, Đức, Hàn, Thái Lan…
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, dự báo mức chi tiêu của các gia đình tăng 10-20% so với hàng ngày. Theo quy luật, sức mua trên thị trường sẽ tăng cao những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và lượng hàng tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đều đã được tăng cường thêm 20-30%.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Phòng Quản lý thương mại xây dựng và triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019.
Tổng số điểm bán hàng bình ổn giá tối thiểu là 100 điểm, tập trung tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang. Toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp là các đơn vị phân phối lớn trên địa bàn tham gia chương trình là Công ty TNHH Anh Đức, Hà Giang, Cường Thịnh, Vượng Thủy, Chính Gấm, Ngọc Sơn. Các doanh nghiệp đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần tiền lãi suất vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa.
Các mặt hàng bình ổn giá do Việt Nam sản xuất có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hợp thị hiếu người tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến như bánh kẹo, mứt các loại, trứng các loại, đường trắng, dầu ăn, nước chấm các loại, mì tôm, mì chính, cà phê, rượu, bia, nước giải khát...
Đánh giá về diễn biến thị trường tại thời điểm này, đồng chí Hoàng Trung Kiên cũng cho biết: Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường như các tháng trước đây, sức mua chưa có dấu hiệu tăng nhanh, tăng mạnh. Giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn tương đối ổn định, chưa tăng giá hoặc tăng giá đột biến.
Theo ước tính nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 10 - 20% so với mức tăng bình quân của các tháng trong năm, tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; chủng loại đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống....
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng chí Hoàng Trung Kiên dự báo, giá cả mặt hàng Tết nói chung rất khó có khả năng biến động lớn. Tuy nhiên, Sở Công thương không chủ quan mà sẽ hết sức thận trọng theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch và nhanh chóng giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình chuẩn bị hàng hóa.
Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, rau củ quả, trứng vịt, hoa tươi sẽ được giám sát chặt chẽ, theo dõi từng ngày để không xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá.
Đinh Chúc- Nguyễn Thơm