Phát huy những thuận lợi, vượt qua những khó khăn, vụ mùa năm 2012, các địa phương trong tỉnh tiếp tục giành thắng lợi. Toàn tỉnh đã gieo cấy được 39.330,1 ha lúa các loại. Do khung thời vụ gieo cấy lúa mùa rất khẩn trương, nhưng nhờ kinh nghiệm sản xuất từ các vụ trước nên các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời và đến ngày 25-7, về cơ bản diện tích lúa mùa đã được gieo cấy xong. Quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa gặp điều kiện thời tiết khí hậu khá thuận lợi, sâu bệnh ít, được phát hiện và phun trừ kịp thời… nên hầu hết các diện tích lúa đều phát triển khá tốt và tương đối đồng đều.
Đến ngày 24-10-2012, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được 38.699,5 ha lúa mùa, đạt 98,4% tổng diện tích gieo cấy, với năng suất ước đạt bình quân là 56,2 tạ/ha, cao hơn vụ mùa năm trước là 1,2 tạ/ha. Hầu hết các đơn vị, địa phương trong tỉnh đều đã cơ bản thu hoạch xong lúa mùa; diện tích lúa còn lại thuộc trà mùa muộn với các giống đặc sản của địa phương (Kim sơn, Yên Khánh) sẽ thu hoạch trong tháng 11. Các huyện: Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn vẫn là những địa phương có năng suất lúa ước đạt cao, từ 57,5 tạ/ha đến 60,6 tạ/ha .
Như vậy, vụ lúa mùa năm 2012 lại là vụ sản xuất thắng lợi. Chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh cùng với chi phí cho các khâu chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh ít thì hiệu quả trong sản xuất lúa mùa của người nông dân cũng được tăng cao. Tuy nhiên, đó chỉ là nhìn tổng thể trong phạm vi toàn tỉnh.
Đi sâu xem xét từng đơn vị cho thấy: Một số huyện, thành phố, thị xã có diện tích gieo cấy lúa vụ này thấp hơn vụ trước. Do có một số diện tích được chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Xây dựng đường giao thông, xây dựng công trình phúc lợi xã hội… Một số đơn vị năng suất lúa thấp hơn vụ trước là do có sự chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, đưa nhiều giống lúa chất lượng cao vào đồng ruộng, bù lại hiệu quả kinh tế lại cao. Có khu đồng ruộng bị mất mùa riêng và nếu có thu hoạch thì năng suất và sản lượng cũng không đáng kể.
Những nơi bị mất mùa cục bộ chủ yếu là do sâu bệnh phá hoại, đặc biệt là sâu đục thân lúa 2 chấm và bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn. Những trà lúa, giống lúa cấy muộn hay bị nhiễm sâu đục thân và bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn mà các đối tượng này thì việc phòng chúng rất khó khăn.
Các cán bộ chuyên môn cũng cho biết: bướm sâu đục thân lúa 2 chấm phản ứng dương với ánh sáng đèn điện, nghĩa là chỗ nào có ánh sáng đèn điện thì chúng bay tới và đẻ trứng ở đó nhiều hơn. Đó là nguyên do giải thích cho những khu ruộng gần đường giao thông; giáp các nhà máy, khu công nghiệp thường bị sâu đục thân phá hoại nặng. Qua đây cũng cho thấy, cần chú trọng đến việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu đục thân lúa 2 chấm một cách đúng lúc, đúng chỗ, nhất là ở các khu ruộng kể trên.
Đinh Chúc