"Ghìm cương" lãi suất tín dụng
Có thể nói, trước khi Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà Nước được ban hành, người tiêu dùng nói chung, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói riêng trên địa bàn tỉnh đã chịu sự tác động "gia tăng" chóng mặt về lãi suất cả về tiền gửi và lãi suất tiền vay của tổ chức tín dụng và ngân hàng. Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tiến hành triển khai thực hiện Chỉ thị 02 tới các tổ chức tín dụng và hệ thống các ngân hàng thương mại trong tỉnh. Bước đầu các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chấp hành và áp dụng thực hiện có hiệu quả.
Tại tỉnh ta, sau khi Chỉ thị 02 được ban hành, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã triển khai thực hiện nhằm kiểm soát lãi suất huy động, làm lành mạnh hóa hoạt động tài chính, ngân hàng và góp phần thực hiện chủ trương hạ lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng trong tỉnh đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay và nghiêm túc thực hiện việc giảm lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng ngay lập tức hạ lãi suất cho vay xuống từ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất và 19-20% đối với lĩnh vực phi sản xuất. Tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm chưa được nhiều, vì để giảm lãi suất cho vay thì các ngân hàng phụ thuộc chính vào sự điều hành theo ngành dọc và phải có lộ trình. Bà Vũ Thị Hằng Trưởng phòng Tổng hợp và kiểm soát nội bộ (Ngân hàng nhà nước tỉnh) khẳng định, duy trì trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ 14%/năm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng là tổ chức và dân cư.
Tiếng nói người trong cuộc
Tại Ngân hàng Công thương Tam Điệp, lãi suất huy động hiện tại của đơn vị là 14% và lãi suất cho vay hạ xuống còn từ 17-19,5%. Tính từ khi triển khai Chỉ thị 02 vào giữa tháng 9-2011 đến nay, Chi nhánh đã cho 13 lượt khách hàng doanh nghiệp vay vốn được giảm lãi suất với tổng dư nợ được giảm là gần 400 tỷ đồng. Việc thực hiện Chỉ thị đã góp phần đáng kể vào việc giúp các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Việc triển khai Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hạ trần lãi suất huy động và cho vay ở các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ta được thực hiện hơn 3 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc tiếp cận nguồn vốn này đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ không hề dễ dàng, bởi mỗi ngân hàng đều có những điều kiện đi kèm theo. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được những điều kiện đó thì mới tiếp cận được nguồn vay vốn giảm lãi suất còn không thì con đường tiếp cận vốn của các doanh nghiệp còn khá gian nan.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra ý kiến: Thông tin giảm dần lãi suất cho vay từ việc khống chế lãi suất huy động về mức trần gần đây khiến những người làm kinh doanh như chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, thực tế lãi suất cho vay hiện nay vẫn ở mức rất cao. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cân nhắc rất kỹ trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, bởi với lãi suất cao như thế, chúng tôi buộc lòng phải đẩy giá cả các mặt hàng mình kinh doanh lên để "bù" vào lãi suất, chi phí vận chuyển. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá cả cứ leo thang. Trước đây, khi Nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (dưới 10%), chúng tôi vừa có cơ hội mở rộng kinh doanh, vừa nhanh chóng hoàn vốn, có lãi. Chẳng hạn như cửa hàng mua 3 chiếc xe tải trả góp với lãi suất 4%/năm; và chỉ trong vòng 2 năm, chúng tôi đã trả xong cả vốn lẫn lãi. Còn với lãi suất như hiện nay, việc trả lãi là một vấn đề khó chứ chưa nói tới việc trả gốc.
Đối với các doanh nghiệp lớn, việc áp dụng thực hiện mức lãi suất huy động và cho vay theo tinh thần Chỉ thị 02 của Ngân hàng hàng Nhà nước bước đầu cho thấy phần nào đã tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay. Bà Nguyễn Thị Tự, Giám đốc Công ty XNK Thủ công mỹ nghệ Đông Thành (thành phố Ninh Bình) nói: Ngay sau khi có Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, doanh nghiệp chúng tôi đã được hưởng giảm lãi suất để tạo điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tôi thấy đây là hướng đi đúng của Nhà nước, đặc biệt khi chúng ta đang kiềm chế lạm phát thì việc giảm lãi suất ngân hàng giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện để giảm giá thành sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động và có thêm điều kiện để thực hiện chủ trương bình ổn giá cả. Tuy nhiên với mức lãi suất như hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Nhà nước nên có lộ trình để giảm và hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Bảo Yến