Qua 5 năm thực hiện trên địa bàn huyện Nho Quan đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất thực sự phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cho người lao động, làm thay đổi nhận thức của người dân về con đường giảm nghèo.
Xác định được tầm quan trọng của các nghề tiểu thủ công nghiệp trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình ở khu vực nông thôn, huyện Nho Quan đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch khôi phục và mở rộng các làng nghề, cơ sở sản xuất chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren trên địa bàn. Hiện nay toàn huyện đã có 2 cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ là HTX Thủ công mỹ nghệ xã Quỳnh Lưu và Cơ sở sản xuất đã mỹ nghệ Quang Sự (xã Quỳnh Lưu); 1 cơ sở chuyên gia công thêu ren xuất khẩu là HTX mỹ nghệ Gia Thủy và 1 làng nghề ở thôn Chùa (xã Gia Thủy).
Năm 2007, HTX Thủ công mỹ nghệ Gia Thủy được thành lập. Từ chỗ chỉ có 27 hội viên, đến nay đã phát triển lên trên 200 hội viên. Nghề thêu đã đưa mức doanh thu của HTX thủ công mỹ nghệ này lên bình quân mỗi năm trên 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động đạt từ 1 đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. Ông Đào Văn Tá, Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ Gia Thủy cho biết: Số lao động ngày một phát triển tay nghề được nâng cao, tạo ra những sản phẩm đẹp đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Sản phẩm thêu ở HTX có tới hàng nghìn mẫu mã các loại: ga trải giường, rèm cửa, khăn, đĩa, đồ trang trí nội thất... HTX Thủ công mỹ nghệ Gia Thủy đã đóng góp một phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Làng nghề thôn Chùa được UBND tỉnh Ninh Bình quyết định công nhận là làng nghề truyền thống (năm 2007). Trong làng có 65,3% số hộ dân, 54,8% số lao động làm thêu ren xuất khẩu; tỷ trọng giá trị thêu ren trên tổng giá trị của sản xuất tiểu thủ công nghiệp của làng đạt 52%. Chỉ tính riêng 2 cơ sở thêu ren này trong 5 năm giá trị sản xuất đạt 5.191 triệu đồng, số lao động được đào tạo nghề là 100 người.
Nghề chế tác đá mỹ nghệ cũng đang được người dân xã Quỳnh Lưu quan tâm phát triển. Trong 3 năm (2008-2010) giá trị sản xuất của làng đã đạt 4.650 triệu đồng, thu nhập bình quân từ 1,2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất hàng năm đều tăng đáng kể, năm 2008 đạt 600 triệu đồng, năm 2009 đạt 1.900 triệu đồng và năm 2010 đã lên tới 2.150 triệu đồng.
Có thể thấy rằng, mặc dù số cơ sở sản xuất cũng như số người tham gia vào các nghề thủ công mỹ nghệ còn khiêm tốn song đây được xem như một tín hiệu vui ban đầu về con đường giảm nghèo cho người nông dân ở Nho Quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được có thể thấy, đối với sản xuất CN-TTCN thì Nho Quan là huyện có tỷ trọng thấp và chậm phát triển so với toàn tỉnh. Để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, tận dụng tối đa nguồn nhân lực, đặc biệt trong lúc nông nhàn, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần ưu tiên tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư thêm các lớp đào tạo nghề (cả ngắn hạn và trung hạn) cho người lao động nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thiết nghĩ, tỉnh cũng như địa phương cần quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các làng nghề, có như vậy thì mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế bền vững trong thời kỳ hội nhập của đất nước. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất thì một yếu tố quan trọng để phát triển các nghề TTCN đó là phải có sự thay đổi về mặt nhận thức của người nông dân. Muốn thoát nghèo thì người nông dân cần có nhiều nghề chứ không thể chỉ đơn thuần chỉ làm nông nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp đi đôi với phát triển các nghề CN-TTCN ở nông thôn sẽ là con đường thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người nông dân.
Nguyễn Thơm