Giá và sản lượng tiêu thụ giảm mạnh Huyện Nho Quan, địa phương mới đây đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên việc tiêu thụ thịt lợn ở đây hiện vẫn rất chậm. Gia đình chị Ngô Thị Thanh Thuận, ở bản Cả, xã Kỳ Phú hiện đang nuôi 20 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt. Tuy nhiên, cả lợn con và lợn thịt đều đang rất khó bán.
Chị Thuận cho hay: "Người chăn nuôi chúng tôi giờ không chỉ phải đối mặt với mối nguy từ dịch bệnh mà còn từ chính thị trường. Chi phí thức ăn, công chăm sóc bao nhiêu ngày như vậy nhưng thương lái vào chỉ trả có 32-33 nghìn đồng/1kg, không đủ tiền vốn bỏ ra". Hiện trong trại của gia đình chị Thuận đang có một đàn lợn hơn 40 con chuẩn bị nửa tháng nữa là được xuất bán. Chị chỉ mong muốn Nhà nước ổn định thông tin, không để người tiêu dùng hoang mang quay lưng với thịt lợn để giá cả tăng lên chút ít, người chăn nuôi đỡ khổ.
Theo Sở Công thương tỉnh Ninh Bình, từ giữa tháng 2, đầu tháng 3, giá lợn hơi trên địa bàn giảm từ mức hơn 50.000 đồng/kg xuống dưới 38.000 đồng/kg. Nguyên nhân, do tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua thịt lợn vì lo ngại dịch bệnh. Người chăn nuôi cũng không dám mua thịt lợn về nhà chế biến vì sợ lây bệnh cho lợn nhà mình.
Tuy nhiên, sau một thời gian thận trọng hơn với thịt lợn, nhờ công tác tuyên truyền tốt, tâm lý người tiêu dùng được cải thiện, lượng lợn tiêu thụ thời gian gần đây đã tăng trở lại, giá thịt lợn cũng dần phục hồi. Dẫu vậy, thời điểm này, khi mức độ lây lan dịch tả lợn châu Phi diễn ra phức tạp với 7/8 huyện, thành phố của tỉnh đã xuất hiện dịch thì việc tiêu thụ thịt lợn lại gặp khó khăn.
Giá lợn hơi hiện nay giảm xuống chỉ còn 32-34 nghìn đồng/1kg. Tại các chợ trung tâm thành phố Ninh Bình như chợ Rồng, chợ Kim Đồng,... số sạp bán thịt lợn đã giảm khoảng 40%. Riêng tại các chợ cóc, chợ tạm, 50% số sạp thịt lợn đã nghỉ bán. Ngoài ra, một số chợ cấp xã đang có dịch thì đã ngưng hẳn việc buôn bán thịt lợn.
Giải pháp kích cầu
Mới đây, tại hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố đều nêu ý kiến: "Cần sớm có các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ lợn".
Về vấn đề này, ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở sẵn sàng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể với các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.
Nếu cần thiết, Sở sẽ xây dựng các điểm bán thịt lợn lưu động tại các địa điểm trung tâm, các khu cụm công nghiệp trên địa bàn để tiêu thụ thịt cho bà con. Ngoài ra, Sở cũng cùng các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối, các chợ đầu mối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng: Dự báo dịch bệnh sẽ còn kéo dài do loại vi-rút này có khả năng tồn tại lâu trong môi trường. Vì vậy, bên cạnh việc tích cực ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì bảo đảm thị trường lưu thông lúc này là sự sống còn của ngành chăn nuôi.
Trên thực tế thời gian qua, đối với những con lợn có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi đều đã bị tiêu hủy ngay lập tức. Tỷ lệ lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, nghi ngờ mắc dịch tả lợn châu Phi đã tiêu hủy cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Hơn nữa, giá hỗ trợ của Nhà nước đã được điều chỉnh phù hợp, ở mức khá cao nên sẽ không có chuyện người chăn nuôi đem lợn bị bệnh ra thị trường. Đàn lợn trên địa bàn tỉnh vẫn có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn nên người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng.
Hà Phương