Đầu tháng 6/2020, chị Nguyễn Thị Thân, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để nhận bảo hiểm thất nghiệp. Chị Thân cho biết, chị làm tại công ty giầy Adora Việt Nam, khu công nghiệp Tam Điệp (thành phố Tam Điệp) được hơn 2 năm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị phải tạm nghỉ việc 3 tháng, hiện vẫn chưa tìm được việc làm mới. Trong thời gian chờ tìm được công việc mới phù hợp, chị làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp để trang trải cuộc sống. "Rất may, các thủ tục để nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện nhanh gọn, hẹn ngày giải quyết chính xác nên tôi không phải đi lại nhiều. Trước mắt tôi tạm chi trả các chi phí trong cuộc sống bằng số tiền hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp, sau đó sẽ tính toán để tìm công việc gần nhà, ổn định cuộc sống..." - chị Thân cho biết thêm.
Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là những tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp (tháng 3 và 4/2020), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phải tạm dừng các phiên giao dịch trực tiếp nhằm tránh việc tập trung đông người. Ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Trung tâm nhanh chóng tổ chức sàn giao dịch việc làm cho các đối tượng có nhu cầu xuất khẩu lao động, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt từ giữa tháng 5 trở lại đây, trung bình mỗi ngày, Trung tâm đón tiếp gần 200 người đến làm các thủ tục liên quan đến chế độ BHTN, như nộp hồ sơ, trả kết quả và thực hiện khai báo; trong đó, có khoảng 100 lượt lao động có nhu cầu nộp hồ sơ hưởng BHTN. Tính từ đầu năm đến ngày 29/5, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ BHTN cho 2.197 lao động, đã có 1.188 người được nhận nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp.
Cùng với việc kết nối việc làm cho những người đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng tích cực triển khai các hoạt động trợ giúp, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau dịch bệnh, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh. Theo đó, ngoài tổ chức các phiên giao dịch chuyên đề tại sàn giao dịch của Trung tâm, Trung tâm còn xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động về xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp tại các địa phương, phấn đấu 6 tháng cuối năm tổ chức được từ 1-2 phiên lưu động, 3-4 phiên giao dịch chuyên đề, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động tìm kiếm được nguồn lao động và việc làm phù hợp.
Cùng với việc hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động, Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ một phần khó khăn cho người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Chị Lã Thị Vinh, xã Khánh Dương (huyện Yên Mô) chia sẻ, do dịch bệnh, chị phải nghỉ việc hơn 2 tháng, trong khi không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Căn cứ vào tiêu chuẩn của Quyết định 15, chị Vinh đủ tiêu chuẩn hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ. Hiện chị đã hoàn thiện hồ sơ và được huyện Yên Mô thẩm định đủ điều kiện hỗ trợ số tiền 1 triệu đồng/tháng, trong thời gian 2 tháng. Mong muốn của chị Vinh là sớm được nhận hỗ trợ của Nhà nước và Công ty chị từng làm việc trước khi nghỉ dịch xuất được các đơn hàng để chị và mọi người có đủ việc làm, ổn định cuộc sống như trước khi xảy ra dịch bệnh.
Chị Lã Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Thúy, xã Khánh Dương (huyện Yên Mô) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty không xuất được các đơn hàng may mặc đã ký kết, doanh thu thua lỗ hàng tỷ đồng. Do khó khăn, sau 2 tháng tạm đóng cửa (tháng 4,5), đầu tháng 6, Công ty hoạt động trở lại nhưng cũng chỉ có gần 100 công nhân đi làm trở lại, còn 35 công nhân vẫn phải tạm nghỉ. Công ty cũng thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, không hỗ trợ lương do không có đơn hàng. Hơn nữa, số lượng công nhân tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại đây rất ít, chỉ có khoảng trên 30 người, nên khi nghỉ việc không nhận được hỗ trợ nào. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều công ty, doanh nghiệp khác hiện nay, gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động.
Có thể nói, sau thời gian thực hiện giãn cách theo quy định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, đảm bảo vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa phòng, chống dịch COVID-19. Đối với những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, các ngành liên quan như LĐLĐ, Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH, Thuế... đã và đang có các biện pháp tháo gỡ, phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; giải quyết việc làm cho những người đang thất nghiệp chưa tìm được việc làm; đẩy nhanh tiến độ chi trả các chế độ, chính sách trợ cấp của Nhà nước.... giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và người lao động giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.
Hạnh Chi