Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp luôn duy trì ở con số 4%/năm; tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của tỉnh năm 2011 chỉ còn gần 15%; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhanh và đang chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, nhất là việc chăn nuôi lợn siêu nạc, bò lai sind. Việc nuôi trồng thủy sản từng bước được mở rộng. Năm 2011, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 9.564 ha, tăng 6.314 ha; sản lượng thủy sản đạt 3,2 nghìn tấn, tăng 19,6 lần so với năm 1991.
Từ năm 1992 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được trên 10.000 ha rừng, hàng chục triệu cây phân tán; rừng được quản lý và bảo vệ tốt, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong vùng và nâng độ che phủ rừng lên gần 20%. Sản xuất vụ đông được chú trọng, đến năm 2010 diện tích cây vụ đông trong toàn tỉnh đã tăng gấp 3 lần so với năm trước khi tái lập tỉnh và năm 2011 diện tích cây công nghiệp đạt 17.000 ha, tăng 2,8 lần so với năm 1991. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều tiến bộ, đổi mới: Đã nâng cấp, cứng hóa được 468 km đê, trong đó có nhiều tuyến đê được cải tạo vững chắc, như đê biển Bình Minh II và III; đê sông Đáy; đê tả, hữu Hoàng Long...
Toàn tỉnh cũng đã kiên cố hóa được 925 km kênh mương với nhiều trạm bơm mới được xây dựng, đưa số trạm bơm trong tỉnh lên 495 trạm, 1.462 máy bơm, 4 âu thuyền, 44 hồ chứa có tổng dung tích là 42 triệu m3 nước. Nhiều công trình cấp nước tập trung được xây dựng, phục vụ tốt cho đời sống sinh hoạt của nhân dân nông thôn và đến hết năm 2011, đã có 88 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần đưa tỷ lệ người dân trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 85%. Cùng với đó là các công trình: Điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được quan tâm sửa chữa nâng cấp, xây mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của nhân dân...
Thành tựu nổi bật nhất của ngành Nông nghiệp sau 20 năm tái lập tỉnh chính là ở lĩnh vực sản xuất lương thực với 15 năm liên tục giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Từ một tỉnh khi tái lập còn thiếu lương thực đã vươn lên không những đảm bảo đủ ăn mà có dự trữ bán ra thị trường, đảm bảo vững chắc vấn đề an ninh lương thực và một phần thức ăn cho phát triển chăn nuôi.
Tính đến năm 2011, sản lượng lương thực có hạt của tỉnh đạt 51,4 vạn tấn, gấp 2,6 lần so với năm 1991, bình quân mỗi năm tăng 16.000 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 566 kg, tăng 2,3 lần so với năm trước khi tái lập tỉnh; giá trị sản phẩm/ha canh tác đạt 86 triệu đồng/ha/năm…
Sản lượng lương thực cây có hạt tăng chủ yếu do tăng sản lượng lúa với việc bình quân hàng năm tăng 4,9%. Trong đó: Vụ đông xuân tăng bình quân 7,4%; vụ mùa tăng 2,8%. Sản lượng lúa năm 2011 đạt hơn 48,8 vạn tấn, tăng 22,7% so với năm 2005, gấp 2,6 lần so với năm 1991. Đây cũng là năm mà sản lượng lúa vụ đông xuân đạt mức cao nhất trong 20 năm qua, đạt gần 272,7 nghìn tấn, gấp 4,1 lần so với vụ đông xuân năm 1991. Trong 2 vụ lúa thì vụ đông xuân có năng suất khá cao, tăng liên tục và ổn định qua các năm; năm 2011, năng suất lúa vụ đông xuân đạt 65,42 tạ/ha, gấp 3,8 lần so với năm 1991. Song, vụ mùa cũng có sự chuyển biến vượt bậc bởi đây là vụ sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của yếu tố thời tiết, khí hậu và sâu bệnh, năm 2011 năng suất lúa mùa đạt 55 tạ/ha, gấp 1,6 lần so với vụ mùa năm 1991. Từ năm 1999 đến nay, năng suất lúa cả năm trên địa bàn tỉnh liên tục đạt trên 10 tấn/ha, riêng năm 2011 đạt trên 12 tấn/ha.
Đạt được kết quả này là do trong những năm qua tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển: Chương trình kiên cố hóa kênh mương và bê tông hóa đường giao thông nông thôn; dồn diền, đổi thửa; Nghị quyết 03 về phát triển cây vụ đông; Đề án phát triển lúa cao sản và lúa chất lượng cao; Nghị quyết 31/NQ-HĐND phê duyệt Đề án 11/ĐA-UBND về khuyến nông hỗ trợ phát triển lúa chất lượng cao… Sản xuất lương thực nói chung và lĩnh vực sản xuất lúa nói riêng chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố thời tiết, khí hậu, sâu bệnh, giá cả vật tư nông nghiệp… Nhưng trong quá trình sản xuất, các tiến bộ kỹ thuật, trình độ kỹ thuật của người nông dân về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, kỹ thuật thâm canh ngày càng được áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng. Nếu như năm 1992, vụ đông xuân, diện tích trà lúa xuân sớm là chủ yếu, vụ mùa diện tích trà mùa muộn chiếm ưu thế… thì đến năm 2011, diện tích trà xuân sớm trong vụ đông xuân chỉ còn 7% (2.923,9 ha) và diện tích trà mùa muộn còn 1.819,3 ha, chiếm 4,6% diện tích gieo cấy được trong vụ. Các giống lúa lai, lúa thuần (Sán ưu 63, Sán ưu quế 99, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, Bắc ưu 64, Bắc ưu 903, D.ưu 527, Phú ưu, Thục hưng 6, Khang dân 18, Q5, ải 32, TBR 45, QR1, LT2, Bắc thơm số 7, nếp…) có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, dần được đưa vào đồng ruộng thay thế các giống địa phương, thời gian sinh trưởng dài: C70, C71, X20, X21, Mộc tuyền… Giống lúa lai, năng suất cao được mở rộng nhanh và năm 1992 mới chỉ có vài chục ha, thì năm 2009 đạt tới 45.172,3 ha, chiếm 55, 6% tổng diện tích lúa gieo cấy được trong năm.
Cùng với đó các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, như: Che phủ mạ xuân bằng nilon trong, gieo mạ nền được triển khai áp dụng sớm và là một trong số những tỉnh phía Bắc đi đầu trong phong trào này, góp phần đảm bảo đủ mạ cho gieo cấy của vụ đông xuân. Kỹ thuật thâm canh: bón phân đa dinh dưỡng thay thế phân đơn… hay phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM); sản xuất theo phương châm "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… đã góp phần vào việc nâng cao năng suất, sản lượng lúa, tạo nên giá trị và hiệu quả cao cho người nông dân ở lĩnh vực sản xuất này.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa thuần chất lượng cao nhằm chủ động cung cấp giống trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại huyện Yên Khánh nhằm tăng hiệu quả của mối liên kết "4 nhà", giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, tham quan mô hình… được triển khai rộng rãi, kịp thời, góp phần giúp đỡ người nông dân sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực nói riêng có được năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
Đinh Chúc