Cuộc thi được phát động vào thời điểm Đảng bộ và nhân dân thành phố đang tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, nhất là khu Quảng trường, triển khai việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), vào thời điểm các nhà trường đang nghỉ hè… Nhưng quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa của cuộc thi và bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, các cơ quan, đoàn thể, địa phương, trường học đã nhanh chóng triển khai cuộc thi, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia.
Ngay từ khi cuộc thi được phát động, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc thi nên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng cuộc thi. Nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là các cựu chiến binh đã tích cực thu thập, tìm hiểu tư liệu, tài liệu về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào để tổng hợp làm bài dự thi chất lượng cao. Một số bài dự thi từ đầu đã gây ấn tượng với Ban giám khảo. Tiêu biểu như bài dự thi của bác An Viết Lâm, 71 tuổi, là quân tình nguyện Việt Nam tại Lào nên bài dự thi của bác thấm đẫm không gian văn hóa, cuộc sống của anh em dân tộc Lào. Những câu chuyện được kể trong bài dự thi là những minh chứng sống động cho những năm tháng bác An Viết Lâm sống, chiến đấu, sát cánh cùng quân đội và nhân dân Lào với bao tình cảm chứa chan, không dễ gì xóa nhòa… Hay như bài dự thi của cựu chiến binh Phạm Ngọc Lợi ở phường Bích Đào.
Với tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm của người cựu chiến binh, bác Phạm Ngọc Lợi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, sưu tầm tài liệu, hình ảnh tham gia cuộc thi. Đối với người cựu chiến binh này, tham gia cuộc thi là cách để giáo dục thế hệ trẻ trong phường về truyền thống, mối đoàn kết gắn bó, keo sơn giữa hai dân tộc, để thanh, thiếu niên trong phường luôn ghi nhớ và có ý thức, trách nhiệm vun đắp tình hữu nghị đặc biệt này…
Tại các đảng bộ, chi bộ cơ sở, Phòng Giáo dục-Đào tạo, Hội Cựu chiến binh thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia dự thi với tỷ lệ cao nhất. Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm đến công tác vận động, đôn đốc các đơn vị tham gia cuộc thi bằng nhiều hình thức như: thông qua các cuộc họp giao ban, có văn bản hướng dẫn, đôn đốc… Ban chỉ đạo cuộc thi cấp thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc thi thông qua các hội nghị của đảng, chính quyền, đoàn thể, qua đội ngũ báo cáo viên các cấp. Qua đó để động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia cuộc thi. Sau hơn 4 tháng phát động, đã có 13.728 bài dự thi của 63 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tham gia dự thi. Nổi bật là cuộc thi đã thu hút đông đảo các đối tượng tham gia, từ em học sinh lớp 9 THCS đến các cựu chiến binh cao tuổi. Kết quả này cho thấy người dân thành phố đã thể hiện trách nhiệm cao và tình cảm sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào nên đã quan tâm, dõi theo cuộc thi bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa.
Theo đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi, đa số bài dự thi của các tác giả đều có chất lượng cao, đạt yêu cầu về nội dung, phù hợp với các chủ đề theo thể lệ đặt ra, thể hiện sự công phu trong tìm tòi, tâm huyết của các tác giả. Nhiều bài dự thi trình bày khoa học, sạch, đẹp, bố trí hài hòa, logic. Ngoài nội dung chính của bài thi còn sưu tầm thêm nhiều tư liệu, các bài viết về tình hữu nghị Việt-Lào, tranh ảnh đi đôi với lời bình. Các bài dự thi đều đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Trên cơ sở các bài đạt chất lượng cao và được trao giải, Ban tổ chức cuộc thi thành phố đã chọn 10 bài dự thi tiêu biểu để gửi về dự thi cấp tỉnh.
Bùi Diệu