Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thành phố Ninh Bình đã đề ra nhiều biện pháp thực hiện như: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giảm dần tỷ lệ thất nghiệp; phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp để thu hút nhiều lao động; đa dạng hóa các nguồn lực, phương thức thực hiện xóa đói, giảm nghèo, vùng nghèo, kết hợp sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của các chương trình, dự án, các doanh nghiệp và của cộng đồng. Trợ giúp hộ nghèo về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện mức sống một cách bền vững.
Trong công tác giảm nghèo, thành phố đã tiến hành rà soát, tìm hiểu nguyên nhân và phân loại đối tượng để có biện pháp giúp đỡ hiệu quả, phù hợp. Năm 2008, thành phố đã trích ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất cho các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất trong thời gian 2 năm (2008 - 2009). Theo đó, toàn thành phố đã có 108 hộ nghèo được vay với tổng số vốn là 806 triệu đồng, số tiền được hỗ trợ lãi suất là trên 125 triệu đồng.
Từ nguồn vốn này nhiều hộ đã dần ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ 84 đối tượng là người già cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng lao động mỗi tháng 145.000 đồng/người, đảm bảo mức sống bằng với mức sống trung bình của người dân. Có thể nói, trong 12 chương trình an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ BHYT, hỗ trợ kinh phí cho người nghèo ăn Tết... là những chương trình có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Thành phố cũng tích cực huy động các tổ chức xã hội tham gia ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ hỗ trợ sửa chữa và xây nhà mới cho các hộ nghèo, hộ chính sách giai đoạn 2008 - 2009... Hai năm qua, toàn thành phố đã xây mới, sửa chữa 134 nhà dột nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách với tổng kinh phí gần 6,1 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp trên 3,2 tỷ đồng trên 3.000 ngày công. Việc làm này đã giúp các hộ nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn an cư, lạc nghiệp.
Từ thực tế cho thấy, để giảm nghèo không chỉ cần đến đồng vốn mà người nghèo còn rất cần hướng dẫn cách thức làm ăn sao cho hiệu quả. Thời gian qua, thành phố Ninh Bình đã mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Các lớp tập huấn ngắn ngày, các lớp học nghề đã giúp cho người nghèo chưa có việc làm trên địa bàn tiếp thu được những kiến thức nhất định, những kinh nghiệm trong sản xuất, trong cuộc sống và cả những kiến thức mà xã hội đang cần để người nghèo biết cách sử dụng đồng vốn cũng như sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng một cách hiệu quả.
Trong công tác giải quyết việc làm, thành phố đặc biệt quan tâm đến những đối tượng là người bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng chấp hành xong các án phạt tù... nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng sớm vươn lên trong cuộc sống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trung bình mỗi năm thành phố đã tạo việc làm mới cho 3.000 - 3.300 lao động, giảm dần tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao mức sống cho người dân.
Cùng với chính sách hỗ trợ vốn, thành phố Ninh Bình còn thực hiện khá tốt các chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về việc trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, thành phố đã tiến hành rà soát, phân loại đối tượng. Đến nay, toàn thành phố đã có 1.336 đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên với tổng số tiền trợ cấp hàng tháng là 173 triệu đồng. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã giúp cho trên 230 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố từ 1,98% (năm 2007), xuống còn 1,12% năm 2008, trong đó phường Thanh Bình không còn hộ nghèo. Như vậy, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1% vào cuối năm 2009 của thành phố sẽ sớm đạt được.
Mai Lan