Đồng chí Đinh Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 3 dự án trên, thành phố có những thuận lợi là: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nguồn vốn, tiến độ, tháo gỡ khó khăn thành lập tổ công tác...; đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng và tạo điều kiện của các sở, ngành về thủ tục, đơn giá, cơ chế, chính sách, đối thoại với người dân giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...
Khó khăn khi thực hiện dự án là: Thời gian thực hiện dự án kéo dài, trong khi chính sách về đất đai có sự thay đổi; số hộ bị thu hồi đất nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân (3 dự án trên ảnh hưởng đến 1.300 hộ, trong đó có 322 hộ phải di chuyển chỗ ở, 978 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, có 1 dự án phải di dời cả một thôn... Trước những khó khăn đó, thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, nắm bắt tình hình cơ sở, tổ chức tuyên truyền giải thích, vận động, thuyết phục các hộ dân tự giác chấp hành... nên công tác GPMB đạt được kết quả khá tốt, đáp ứng được tiến độ của các dự án.
Trong quá trình thực hiện công tác GPMB, thành phố xác định phải đảm bảo tính công khai, dân chủ và kịp thời. Tính công khai được thể hiện ở chỗ: Công khai dự án đầu tư; công khai đơn giá, chính sách bồi thường; công khai toàn bộ quá trình thực hiện, từ bước kê khai kiểm đếm, phân loại, tính toán bồi thường, phương án bồi thường... đến Quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường và trả tiền công khai. Thành phố còn chỉ đạo niêm yết các văn bản, phương án bồi thường hỗ trợ tại trụ sở UBND xã, phường và gửi trực tiếp cho các hộ dân để các hộ rà soát, tham gia ý kiến.
Quá trình thực hiện công tác GPMB, ngoài những người theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, thành phố còn mời bí thư chi bộ, trưởng thôn, chủ nhiệm HTX, đội trưởng sản xuất, các đoàn thể ở cơ sở và 3-5 hộ đại diện cho những người bị thu hồi đất tham gia công tác GPMB (nhất là công tác kiểm đếm). Giải pháp này giúp mọi người hiểu rõ hơn quy trình GPMB, khó khăn của công tác GPMB, từ đó tuyên truyền, giải thích cho các hộ gia đình khác cùng thực hiện.
Tính dân chủ trong công tác GPMB được thành phố hết sức chú trọng, đặc biệt là công tác phân loại xác định diện tích bồi thường và giải quyết đơn thư, khiếu nại. Với mỗi dự án, công trình ở từng địa phương, thành phố tổ chức các hội nghị về rà soát, kiểm đếm (diện tích bồi thường, hỗ trợ; tài sản bồi thường hỗ trợ...) đến từng hộ, gia đình; trên cơ sở đó mọi người được tham gia ý kiến, phân tích rõ đúng, sai có tính đến cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để đi đến thống nhất thực hiện theo đúng quy trình, quy định. Những trường hợp khó, thành phố tổ chức hội nghị quân dân chính Đảng của thôn, phường, trong đó có các cụ cao niên để xác minh tính hợp hiến, hợp pháp. Khi công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, thành phố bố trí tổ công tác túc trực tiếp nhận, lắng nghe, đối thoại, làm rõ GPMB, giải quyết các ý kiến thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân.
Thành phố cũng coi trọng và giải quyết kịp thời các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân. Khi phương án bồi thường, hỗ trợ đã được khẳng định là đúng, với đa số người dân chấp thuận thì tiến hành chi trả ngay nhằm tránh tình trạng một số hộ bị lôi kéo, kích động dẫn đến thay đổi ý kiến làm chậm tiến độ của công tác GPMB và tiến độ của dự án.
Như vậy, công khai, dân chủ, kịp thời là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của công tác GPMB nói riêng và tiến độ thực hiện các dự án nói chung không chỉ ở thành phố Ninh Bình mà ở cả các địa phương khác khi thực hiện các dự án, công trình.
Đinh Chúc