Tốt nghiệp THPT với mong muốn tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, Nguyễn Văn Đạt đã trải qua không ít nghề với nhiều khó khăn, gian nan. Trong 1 lần gặp lại người bạn cũ là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, anh Đạt được bạn giới thiệu về mô hình nuôi ếch lồng Thái Lan cho giá trị kinh tế cao, đã được nuôi thành công ở nhiều địa phương có đặc điểm tự nhiên tương tự như ở Thượng Hòa. Anh cùng bạn tìm kiếm thêm tài liệu ở trường, trên mạng Internet và đến tận nhà Giáo sư Nguyễn Lân Hùng để được tư vấn, giúp đỡ kỹ thuật.
Một điểm thuận lợi nữa là số vốn đầu tư ban đầu cho việc nuôi ếch không quá lớn, chỉ vài triệu đồng nên có thể đi vay mượn anh em, họ hàng. Nhớ lại thuở "lập nghiệp" ban đầu, anh Đạt cho biết: mặc dù nắm được những kỹ thuật cơ bản của việc nuôi ếch nhưng do chưa có kinh nghiệm nên lúc đầu tôi chỉ dám nuôi hơn 2.000 con tại ao nhà. Khi thu hoạch lứa đầu tiên cho giá trị hàng chục triệu đồng, tôi mới dám mở rộng diện tích và quy mô.
Năm 2007, được tổ chức Đoàn đứng ra tín chấp, anh được vay 11 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tiếp tục phát triển mô hình. Trung bình 1 năm anh tiến hành nuôi 2 vụ, gặp thời tiết thuận lợi có thể thu về 20-30 triệu đồng/vụ. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh đã nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ nhiều thanh niên trong xã tận dụng diện tích mặt nước của gia đình để nuôi ếch, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, lại hạn chế được số thanh niên phải đi làm xa. Cũng trong năm 2007, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi do anh Nguyễn Văn Đạt làm chủ nhiệm được thành lập đã tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên được học tập, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong các hoạt động phát triển kinh tế.
Cũng như anh Nguyễn Văn Đạt, anh Đinh Đức Lâm (thị trấn Nho Quan) là một trong những gương mặt điển hình của thanh niên Nho Quan trong cuộc vận động "Thanh niên thi đua xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng". Là thanh niên xuất thân từ một gia đình nghèo, chưa có kinh nghiệm làm ăn. "Nguồn vốn" ban đầu của anh chỉ là một chút nghề mộc và quyết tâm của tuổi trẻ. Cuộc sống khó khăn, không ai giúp đỡ nên anh phải xoay xở nhiều nghề để kiếm sống.
Được sự giới thiệu của tổ chức Đoàn, anh được vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi không lãi suất để phát triển kinh tế. Có sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, anh quay trở về với nghề mộc mà anh yêu thích. Với bản tính cần cù, chịu khó, cộng với niềm say mê và sự quyết tâm của tuổi trẻ, anh đã phát triển nghề mộc rồi tiến tới thành lập một tổ hợp sản xuất đồ gỗ. Hiện tại, tổ hợp của anh tạo việc làm thường xuyên cho 6 thanh niên trong thị trấn với thu nhập ổn định.
Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên trong huyện có vốn học nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Liên hiệp thanh niên huyện Nho Quan đã phối hợp với Đoàn thanh niên ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 1.660 hộ gia đình thanh niên được vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn ưu đãi của Đoàn, 15 hộ thanh niên nghèo tại 3 xã Cúc Phương, Quảng Lạc, thị trấn Nho Quan còn được UBND huyện hỗ trợ lãi suất với tổng số vốn vay là 75 triệu đồng. Các nguồn vốn hỗ trợ đã giúp cho nhiều hộ thanh niên nghèo có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với việc tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn, tổ chức Đoàn còn phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất thông qua các lớp tập huấn, điểm trình diễn, tham quan học tập mô hình… Các cấp Hội đã phối hợp với Đoàn thanh niên, các đoàn thể tổ chức được 53 lớp tập huấn cho 7650 lượt hội viên thanh niên tham gia, tư vấn, định hướng việc làm cho 1.120 thanh niên. Kết quả đã có 56 thanh niên đi học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Lilama, 700 thanh niên là công nhân may của Công ty may Văn Phú và Thăng Long trên địa bàn huyện.
Cuộc vận động "Thanh niên thi đua xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng" của hội viên, thanh niên Nho Quan thời gian qua đã góp phần tích cực vào kết quả công tác giảm nghèo của huyện, hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo. Nhiều hội viên thanh niên tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, lập nghiệp, nhiều CLB thanh niên làm kinh tế giỏi đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả.
Không chỉ có anh Đại, anh Lâm, thông qua cuộc vận động "Thanh niên thi đua xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng" và phong trào "4 mới" trong thanh niên nông thôn ở Nho Quan còn xuất hiện rất nhiều những tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi như anh Lê Văn Trưởng (Lạng Phong) với mô hình sản xuất nông nghiệp, anh Đinh Văn Lâm (Cúc Phương) với mô hình trang trại tổng hợp… Họ không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, bản thân mà còn tạo việc làm ổn định cho cho hàng trăm thanh niên địa phương, tích cực góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Nguyễn Thơm