Nhìn người thanh niên còn trẻ, khá thư sinh với nụ cười hiền lành, ít ai nghĩ anh lại chọn công việc vất vả tại quê hương để phát triển kinh tế gia đình - đó là anh Vũ Văn Tài, chi đoàn xóm 5, xã Gia Vượng, anh cho biết: Trong khi nhiều thanh niên cùng lứa học xong không đi theo con đường học hành thì phần lớn đều đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp với mức lương vài triệu đồng/người/tháng.
Xa nhà, xa quê, số tiền làm được chưa chắc đã đủ trang trải cuộc sống thường nhật. Bản thân tôi một phần vì điều kiện gia đình neo người, phần nữa tôi nghĩ, nhiều người làm giàu và sống tốt tại quê hương sao mình không làm được. Suy nghĩ nhiều ngày, tôi đi học nghề khung nhôm kính và về mở cửa hàng tại nhà. Đến nay, sau 4 năm đi vào làm nghề, từ nghề khung nhôm kính đã cho anh Tài có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 3-4 thanh niên trong xóm với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng…
Thực tế cho thấy, những thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi luôn hăng hái, dám nghĩ dám làm, đã khẳng định sức trẻ, sáng tạo không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, mà họ còn tích cực truyền nghề và phát triển nghề truyền thống ở địa phương. Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn An Lạc, xã Gia Vượng là một điển hình tiêu biểu. Với bản tính cần cù, chịu khó, cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc anh học nghề khâu nón truyền thống và thành lập tổ hợp thu mua và cung cấp nguyên liệu cho người dân trong thôn.
Anh Hùng chia sẻ: Nghề khâu nón truyền thống xuất hiện ở địa phương khá lâu, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn xã lại chưa có tổ hợp đứng ra cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho người lao động. Trước thực tế đó, từ năm 2007, anh Hùng bàn với gia đình vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm thông qua kênh của đoàn thanh niên để tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định, đầu tư một số phương tiện làm nghề và thu mua sản phẩm của bà con trong xã. Từ nghề khâu nón truyền thống giúp gia đình anh có thu nhập ổn định, bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, tổ hợp của gia đình anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động nông nhàn trong xã và các xã lân cận với mức thu nhập ăn theo sản phẩm từ 800 nghìn đồng đến trên 2 triệu đồng/người/tháng….
Anh Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đoàn xã Gia Vượng cho biết: Xã Gia Vượng hiện có hơn 500 đoàn viên, thanh niên, thời gian qua phần lớn thanh niên trong xã học xong là đi học nghề hoặc đi làm ăn xa; đối với những thanh niên ở lại quê hương, BCH Đoàn xã đã có nhiều hoạt động thiết thực động viên thanh niên lập thân, lập nghiệp. Theo đó, ngoài phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề, kinh doanh dịch vụ…; Đoàn thanh niên xã còn đứng ra tín chấp các Ngân hàng giúp đoàn viên, thanh niên được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hiện xã Gia Vượng có hàng chục đoàn viên, thanh niên được vay vốn từ các ngân hàng trên địa bàn với số tiền hàng trăm triệu đồng đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ… bước đầu cho hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động là đoàn viên, thanh niên trong thôn, trong xã…
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Sen, Bí thư Huyện đoàn Gia Viễn cho biết: Để giúp đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Gia Viễn có thêm điều kiện phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, hàng năm, Huyện đoàn phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức khảo sát, xây dựng kế hoạch tạo vốn cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế. Hiện dư nợ các nguồn vốn cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện vay đạt trên 10 tỷ đồng; trong đó có hơn 4,5 tỷ đồng vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đồng thời, Huyện đoàn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Chi cục Thủy sản tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, về bảo vệ nguồn lợi thủy sản,… cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Thời gian tới, để giúp đoàn viên, thanh niên trong huyện đẩy mạnh phong trào thi đua thanh niên lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, các cấp bộ đoàn huyện Gia Viễn tiếp tục triển khai nhiều việc làm thiết thực như khuyến khích đoàn viên, thanh niên giúp nhau làm kinh tế, nhân rộng các mô hình trang trại trẻ, tổ chức các buổi tham quan học tập kinh nghiệm… giúp đoàn viên, thanh niên có thêm kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt, Huyện đoàn tiếp tục tư vấn, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở đoàn xã, thị trấn nâng cao năng lực lập các dự án khả thi để phát triển kinh tế cho đoàn viên, hội viên, thanh niên. Phối hợp thực hiện tốt việc luân chuyển, sử dụng hiệu quả vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp đoàn viên, thanh niên có nhu cầu tiếp tục được vay vốn phát triển kinh tế gia đình…
Thực tế cho thấy, phong trào thanh niên giúp nhau lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, khẳng định bản lĩnh, nghị lực của tuổi trẻ mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của thanh niên.
Tuy nhiên, do nguồn vốn tín dụng dành cho thanh niên phát triển kinh tế còn quá ít so với nhu cầu thực tế, chính vì vậy để giúp thanh niên có thêm nguồn vốn đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế, thời gian tới, BCH Huyện đoàn Gia Viễn rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đoàn viên, thanh niên trong huyện được tiếp cận với đa dạng các nguồn vốn vay để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương…
Hạnh Chi