Nét đẹp tâm linh được lưu giữ Thanh minh năm nay sát với ngày Giỗ tổ Hùng vương nên lượng người về tảo mộ những ngày đầu tháng 3 âm lịch tương đối nhiều, có cả những người ở xa như Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, thậm chí cả những Việt kiều đang định cư ở nước ngoài cũng tìm về phần mộ tổ tiên để thắp nén hương thơm, giãi tấm lòng thành. Chị Kathy Nguyễn (Việt kiều ở Bồ Đào Nha) vừa dọn dẹp, tu sửa phần mộ tổ tiên ở thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư vừa tâm sự: Chị theo chồng sang Bồ Đào Nha sống và làm việc đã gần 10 năm. Tiết Thanh minh năm nay chị mới có điều kiện về nước, thăm viếng mộ tổ tiên, ông bà, tự tay nhặt cỏ, dọn mộ, thắp nén hương thành kính nên trong chị đan xen rất nhiều cảm xúc. Chị vừa rưng rưng xúc động khi đứng trước phần mộ của những người thân yêu đã mãi mãi không còn gặp lại, vừa vui mừng vì được sum vầy cùng rất nhiều anh em, họ hàng trong họ. Gặp lại nhau sau bao năm xa cách, tay bắt mặt mừng, rất nhiều câu chuyện được hồi tưởng lại, nhiều niềm vui được nhân lên. Tiết thanh minh năm nay với Kathy Nguyễn là một ngày đáng nhớ, không những được sống trong bầu không khí linh thiêng, thành kính của ngày tảo mộ mà còn là những phút giây sum họp gia đình không thể quên.
Còn với ông Nguyễn Văn Minh, quê ở Khánh Trung (Yên Khánh), hiện đang sinh sống tại Hà Nội tiết Thanh minh năm nào, dù bận công việc đến mấy ông vẫn thu xếp thời gian để về quê đi tảo mộ. Dường như đã thành thói quen, lúc nào ông cũng đặt lên phần mộ tổ tiên những bông hoa cúc để tỏ lòng thành kính, khu mộ vàng rực bởi sắc hoa. Ông cho biết: Trước khi ra tảo mộ, bao giờ ông cũng vào từ đường để "xin phép" tổ tiên được dọn dẹp, tu sửa phần mộ gia tiên. Ông bảo ra mộ không cần lễ vật cúng nhiều, chỉ cần bông hoa, nén hương, cốt ở tấm lòng thành kính. Và điều quan trọng nhất trong Tiết thanh minh là phải làm cỏ, lau chùi sạch sẽ phần mộ gia đình, nếu có sạt lở gì thì kịp thời sửa chữa vì theo ông phần mộ cũng như ngôi nhà của người đã khuất, cần thường xuyên được dọn dẹp, tu sửa, viếng thăm. Ông tâm sự "Mỗi lần về quê thanh minh xong, tôi thấy lòng mình rất thanh thản như đã làm được một việc nhỏ báo hiếu với tổ tiên, ông bà, những đấng sinh thành ra mình. Theo tôi đây là một nét văn hóa tâm linh cần được gìn giữ và phát huy vì nó có tính giáo dục cao, nhất là thế hệ trẻ ngày nay". Tâm sự của ông Minh là tâm sự của rất nhiều người khi đi Thanh minh, họ coi đây là một nét văn hóa cần lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác để con cháu luôn có ý thức hướng về cội nguồn, biết ơn công lao của đấng sinh thành, của tổ tiên, ông cha.
Vẫn còn những "điều trông thấy"
Nét đẹp văn hóa của Tiết Thanh minh không ai có thể phủ nhận nhưng bên cạnh đó vẫn còn những "điều trông thấy" chưa đẹp từ Tiết Thanh minh. Ông Nguyễn Văn Bình (Thành phố Ninh Bình) tâm sự: Mỗi lần đến tiết thanh minh gia đình ông bận lắm, phải về quê rất nhiều lần. Đầu tiên là Thanh minh ở nhà thờ to, sau đó xuống các chi mà chi nào cũng muốn Thanh minh ở họ mình đông người dự nên phải họp bàn để phân chia lịch sao cho mọi người đều có thể bố trí về dự…ăn. Ông nhẩm tính, riêng bên nội của nhà ông đã 4 lần thanh minh, 4 bữa ăn, cả bên ngoại hai vợ chồng nữa là Thanh minh ăn tới hơn 10 bữa. Ông bị bệnh tiểu đường nên không muốn cỗ bàn nhiều nhưng nếu không ăn, chỉ nộp tiền thôi thì bị họ hàng trách, còn nếu ăn cả thì rất mệt. Ông bảo, ở quê, ăn uống chỉ góp 50 đến 70 nghìn là có cỗ nhưng trong bữa ăn rượu chè nhiều, anh em có khi lại to tiếng, xích mích, làm mất đi sự trang trọng của ngày Thanh minh. Đành rằng thanh minh là dịp để sum họp gia đình nhưng không nên lấy lý do đó để ăn uống triền miên, vừa lãng phí vừa mất đi ý nghĩa chính của ngày lễ. Thường họ nào, chi nào tổ chức thanh minh to thì đàn bà con gái hầu như không được đi tảo mộ mà phải chúi đầu vào bếp làm cỗ. Điều này không những không đúng với tiết Thanh minh mà còn thể hiện sự trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới mặc dù những người phu nữ này "tự nguyện" ở nhà.
Còn tại nghĩa trang Hiềm, thành phố Ninh Bình có thể dễ dàng nhận thấy còn không ít cảnh thanh niên ăn mặc phản cảm ra nghĩa trang để những cụ ông cụ bà phải lắc đầu ngán ngẩm. Tình trạng dẫm lên mộ để đi lại trong những ngày này cũng diễn ra thường xuyên bởi nghĩa trang quá nhỏ mà lượng người quá đông; nhiều gia đình không hóa vàng tại nơi Ban quản lý nghĩa trang quy định mà hóa vàng ngay tại chân mộ, xả rác bừa bãi cốt để "đẹp mộ nhà ta, kệ mộ nhà người"; một số người không để xe tại nơi quy định mà phóng thẳng vào nghĩa trang. Cá biệt còn có một số gia đình do điều kiện ở xa thuê dịch vụ trọn gói đến sửa sang lại phần mộ mà không có sự hiện diện của mình. Cũng vì điều kiện kinh tế mà một số gia đình ngoài việc tảo mộ còn tạ mộ với nhiều vật phẩm, hương hoa, tờ tiền xin công danh, tài lộc, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường bởi lượng hàng mã đốt cho việc này không phải nhỏ.
Thiết nghĩ, tiết Thanh minh là dịp con cháu quây quần, sửa sang phần mộ tổ tiên, là nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc cần được giữ gìn và phát huy. Những điều chưa đẹp cần được khắc phục để tiết Thanh minh luôn là ngày đoàn tụ, sum họp, báo hiếu theo truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" từ bao đời nay của ông cha.
Nguyễn Khánh