Loay hoay tiếp cận doanh nghiệp Câu chuyện về việc vận động thành lập công đoàn cơ sở ở Nhà máy xi măng Duyên Hà đã trở nên rất quen thuộc trong nhiều năm nay. Nhà máy này có khoảng 1.200 công nhân nhưng sau nhiều năm hoạt động đến nay vẫn chưa có tổ chức công đoàn. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoa Lư dãi bày: Chúng tôi đã tìm cách tiếp cận, tuyên truyền, vận động thành lập công đoàn cơ sở ở đây được khoảng 5 năm rồi nhưng kết quả thu về vẫn là con số không. Mà nguyên nhân chủ yếu là việc khó tiếp cận với chủ doanh nghiệp. Khi cán bộ công đoàn đến làm việc, nhà máy vẫn tổ chức tiếp đón nhưng chúng tôi chỉ được gặp đội ngũ tham mưu, giúp việc của đơn vị chứ không được trao đổi trực tiếp với lãnh đạo- những người có tiếng nói quyết định trong vấn đề này tại doanh nghiệp. Đặc biệt khi cán bộ công đoàn kiên trì đến làm việc thì hết lần này đến lần khác họ hứa xong để đấy…
Cũng gặp phải sự thờ ơ từ phía doanh nghiệp, việc vận động thành lập tổ chức công đoàn đối với Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương (Thành phố Tam Điệp) đang gặp khó dù hiện đơn vị có tới hơn 400 công nhân đóng BHXH. Thực hiện đầy đủ các quy trình để tiếp cận, để tuyên truyền nhưng có thể nói đến nay LĐLĐ thành phố vẫn bó tay. Chỉ tính riêng trong năm 2014, LĐLĐ thành phố đã có 10 văn bản đề nghị làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp để vận động thành lập công đoàn, doanh nghiệp gửi lại 4 công văn trả lời, từ chối…
Thành lập công đoàn cơ sở, doanh nghiệp lớn thì thiếu thiện chí, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không ít những vướng mắc. Trên địa bàn huyện Hoa Lư hiện nay có khoảng gần 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tại các làng nghề truyền thống thêu ren Ninh Hải và đá mỹ nghệ Ninh Vân. Theo tìm hiểu được biết, đa số các doanh nghiệp này hoạt động mang tính chất gia đình, tức là nội bộ anh em trong gia đình quản lý công ty, vì vậy việc thành lập tổ chức công đoàn dường như được coi là không cần thiết. Hơn nữa việc thuê mướn lao động cũng không duy trì thường xuyên mà theo kiểu mùa vụ, theo đơn hàng nên việc vận động thành lập tổ chức công đoàn lại càng khó khăn hơn.
Lý giải về nguyên nhân các doanh nghiệp không mấy quan tâm đến việc thành lập tổ chức công đoàn, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoa Lư cho rằng: một số chủ doanh nghiệp vẫn có nhận thức chưa đúng đắn về vấn đề này, họ nghĩ tổ chức công đoàn sẽ đối kháng với chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó đơn vị sẽ phải nộp phí công đoàn sau khi tổ chức này được thành lập.
Những cách tiếp cận doanh nghiệp như LĐLĐ huyện Hoa Lư, thành phố Tam Điệp đã làm có thể coi là phương pháp truyền thống khi cán bộ công đoàn trực tiếp đến làm việc với chủ doanh nghiệp vận động thành lập công đoàn cơ sở. Nhưng hiện nay theo Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam việc tuyên truyền, vận động phải tiến hành từ dưới lên (bắt nguồn từ người lao động). Ưu điểm của phương pháp này là thể hiện được tính tự nguyện gia nhập, thành lập tổ chức công đoàn, phát huy tính chủ thể của người lao động, giảm bớt sự can thiệp của người sử dụng lao động trong hoạt động công đoàn. Tuy nhiên điều này sẽ khó thực hiện ở những doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh. Chị Tạ Thị Thảo, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông-vận tải chia sẻ: Thực tế khi chưa có sự thống nhất đồng ý của chủ sử dụng lao động chắc chắn cán bộ công đoàn không thể vào trong doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động tuyên truyền tới người lao động. Đấy là chưa kể đến việc khi công đoàn cấp trên hướng dẫn vận động thành lập công đoàn cơ sở, tâm lý chung của người lao động còn e dè, không dám đứng lên thành lập ban vận động, không dám tham gia thành viên ban vận động, không dám viết đơn tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn khi chưa có sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp vì sợ sẽ bị gây khó dễ trong quá trình làm việc.
Cái khó ló cái khôn
Trong tháng 8 vừa qua, công đoàn ngành Giao thông đã tuyên truyền, vận động thành lập được một công đoàn cơ sở tại Công ty cổ phần thương mại Tràng An (Taxi Tràng An) kết nạp mới 42 đoàn viên. Các giải pháp mà cán bộ công đoàn ở đây đã triển khai lại chính là việc kết hợp một cách linh hoạt giữa phương pháp truyền thống và phương pháp mới theo Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Với đặc điểm của một doanh nghiệp vận tải, người lao động của Công ty cổ phần thương mại Tràng An, chủ yếu là đội ngũ lái xe, làm việc theo ca, hoạt động lưu động trên đường nên rất khó quản lý, khó tuyên truyền tập trung mà chủ yếu thông qua cấp phát tài liệu, tờ rơi. Thậm chí cán bộ công đoàn đã đến tận các bãi đỗ xe, các quán trà đá để "lân la" tiếp cận, chuyện trò tạo thiện cảm với các lái xe. Qua tiếp xúc, khai thác thông tin, phát hiện ra những cá nhân tiềm năng, có am hiểu tương đối về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có khả năng giao tiếp, uy tín đối với các lái xe khác để hình thành nhóm nòng cốt trong vận động thành lập công đoàn cơ sở.
Chị Tạ Thị Thảo, Phó Chủ tịch công đoàn Ngành Giao thông - vận tải cho biết: Xác định nếu chỉ tiến hành đơn lẻ như vậy việc thành lập tổ chức công đoàn cũng chưa chắc đã thành công, vì vậy chúng tôi tiến hành song song việc tuyên truyền tới chủ doanh nghiệp. Bởi theo quy định người lao động có thể tự nguyện gia nhập và thành lập tổ chức công đoàn khi không cần sự đồng ý của chủ doanh nghiệp nhưng trong quá trình hoạt động nếu không được sự phối hợp, ủng hộ của chủ doanh nghiệp hoặc chỉ phối hợp một cách miễn cưỡng, đối phó thì chắc chắn hoạt động của công đoàn sẽ khó triển khai hiệu quả.
Anh Nguyễn Đức Trạc, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Tràng An chia sẻ: Chúng tôi đã thực sự bị thuyết phục bởi sự khéo léo, kiên trì ngay từ cách tiếp cận của các cán bộ công đoàn. Với việc tiến hành tuyên truyền ở cả 2 phía người lao động và người sử dụng lao động, họ đã giúp chúng tôi tránh được tâm lý bị cho là "qua mặt" khi cán bộ công đoàn chỉ "âm thầm" tuyên truyền trong công nhân lao động. Tuy thời gian hoạt động chưa nhiều song công đoàn công ty đang dần thể hiện vai trò là sợi dây kết nối lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Từ câu chuyện ở Công ty cổ phần thương mại Tràng An có thể thấy, để việc thành lập công đoàn cơ sở đạt hiệu quả cao nhất, các cấp công đoàn cần căn cứ tình hình cụ thể để vận dụng linh hoạt các phương pháp tiếp cận tuyên truyền, vận động cho phù hợp. Việc thành lập tổ chức công đoàn cần đảm bảo người lao động là chủ thể (theo Điều 17) nhưng không nhất thiết chỉ bắt nguồn tuyên truyền từ người lao động mà nên tiến hành đồng thời, song song từ cả hai phía người lao động và người sử dụng lao động vì nếu công đoàn đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người sử dụng lao động ngay từ đầu thì công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Duy Hiền