Những mô hình sản xuất mới
Khi nhiều gia đình ở xã Gia Sinh (Gia Viễn) đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, làm dịch vụ du lịch thì gia đình anh Lê Việt Hòa ở xóm 1 lại đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi lợn siêu nạc với quy mô lớn. Khi hỏi chuyện, anh nói: Tôi làm nghề này nhiều năm rồi, cũng tìm mọi cách học hỏi những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn sản xuất nên giờ tôi đã tự tin để làm với quy mô lớn. Từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình tôi đã được vay 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại.
Với trang trại khoảng 10 nghìn m2 anh Hòa chỉ cần 2 lao động là có thể đảm đương được tất cả mọi công việc nhờ hệ thống camera được gắn xung quanh. Đây không chỉ là giải pháp an ninh hiệu quả mà còn giúp vợ chồng anh giải phóng sức lao động khi chỉ cần ngồi trong nhà cũng có thể quán xuyến được công việc… Quy trình chăn nuôi khá hiện đại này còn được đầu tư hệ thống xử lý chất thải gồm 3 bể biogas, gia đình anh Hòa chỉ dùng 1 bể, 2 bể còn lại giúp 6 gia đình lân cận đun nấu thoải mái. Trang trại luôn giữ được vệ sinh sạch sẽ, mặc dù gia đình anh luôn duy trì nuôi khoảng 30 lợn nái, hơn 100 lợn siêu nạc, hàng trăm con gà thả vườn và ao cá. Mỗi năm thu được hàng chục tấn thịt lợn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cùng tham quan trang trại với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Sinh nhận xét: ưu điểm lớn nhất của trang trại này là luôn giữ được môi trường sạch sẽ, không để xảy ra dịch bệnh. Những yếu tố đó rất quan trọng đối với cơ sở chăn nuôi gần khu du lịch. Chúng tôi đang tính đến việc phổ biến rộng rãi cách làm này, cũng như tạo sự liên kết cho bà con làm chăn nuôi trên địa bàn.
Cũng là một cách làm sáng tạo, thậm chí là làm ngược so với người khác nhưng anh Tống Văn Lư ở xóm 4, xã Mai Sơn (Yên Mô) đang rất thành công với mô hình trồng cà chua trái vụ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nếu trồng cà chua vào mùa xuân thì cho thu hoạch vào mùa hè, trồng mùa hè thì cho thu hoạch mùa đông. Tuy là trái vụ nhưng tuyệt đối không dùng đến thuốc kích thích. Kinh nghiệm của anh Lư là khi thời tiết nắng nóng cà chua khó có quả thì người trồng phải thụ phấn thủ công cho hoa bằng cách chấm những chùm hoa đến kỳ phải thụ phấn vào một bát nước dung dịch GA3 được phép lưu hành. Tuy nhiên, cũng phải lường thời tiết, chỉ khoảng 30 độ C thì mới đậu quả. Hiện nay anh còn ứng dụng màng phủ nông nghiệp để giữ chất cho đất, tạo độ ẩm cho cây, giảm tiền công nhổ cỏ… Vậy là từ cách làm khiến nhiều người hoài nghi, đến nay với hiệu quả khá rõ, nhiều bà con đã bắt đầu làm theo. Ngoài việc tự học hỏi, anh Lư và nhiều nông dân trên địa bàn còn được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT của Hội nông dân, giúp họ vững tin hơn khi đầu tư sản xuất.
Điểm tựa của bà con nông dân
Cùng với sự sáng tạo, một điểm tựa giúp nhiều nông dân trong tỉnh vươn lên chính là sự hỗ trợ của tổ chức Hội Nông dân từ tỉnh xuống cơ sở. Trước hết là hỗ trợ về vốn, kết hợp với tập huấn KHKT, hướng dẫn nông dân cách làm ăn. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân vẫn được coi là một trong những nguồn vốn chủ đạo để giúp bà con với tổng số vốn hơn 16.700 triệu đồng. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu về vốn cho hội viên, các cấp hội tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách-Xã hội triển khai thực hiện tốt chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ việc chủ động tìm kiếm, khai thác các kênh hỗ trợ vay vốn khác nhau, các cấp hội đang tạo vốn cho hơn 30 nghìn hội viên vay trên 561 tỷ đồng.
Ngoài vốn vay, một nhu cầu thiết yếu của bà con nông dân hiện nay là được học nghề. Trên thực tế, Hội nông dân các cấp đang tiếp tục phấn đấu thể hiện rõ vai trò của mình trong việc dạy nghề, truyền nghề cho hội viên. Trong 3 năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức trên 40 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ cho 12 nghìn nông dân thuộc 31 xã làm điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nhiều nghề được duy trì và đạt hiệu quả cao như nghề thêu ren xuất khẩu (Hoa Lư), nghề đan cói, bèo bồng, bẹ chuối (Yên Khánh), nghề trồng nấm (Yên Mô)…
Thực tế triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân cho thấy, không chỉ cần có vốn, có kiến thức mà quan trọng hơn cả là bà con cần có nhận thức mới về tập quán canh tác, về cách thức làm ăn theo yêu cầu của thị trường. Do đó, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đặc biệt, vận động hội viên nông dân dồn điền, đổi thửa để hình thành cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, hướng dẫn liên kết xây dựng tổ hợp tác, chi hội ngành nghề để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Hội nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 5 tổ hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nghề. Thành lập các chi hội ngành nghề, tiêu biểu như chi hội nuôi ong, nuôi nhím, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ…
Hội cũng đã chủ động xây dựng nhiều đề tài, dự án, mô hình phù hợp với từng địa bàn. Một số dự án đầu tư cho 31 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 với số tiền gần 10 tỷ đồng đã được Hội Nông dân tỉnh triển khai tích cực. Điển hình là các dự án giải quyết việc làm cho hội viên nông dân vùng công giáo tại xã Văn Hải (Kim Sơn), dự án "Phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống và nuôi cá hồ chứa" tại Khánh Tiên, Khánh Lợi (Yên Khánh)… Từ việc xây dựng mô hình mẫu, tổ chức cho nông dân tham quan học tập các mô hình điển hình đã giúp cho nhiều hội viên nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ, hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang phương pháp canh tác mới với việc áp dụng tiến bộ KHKT, lựa chọn cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Đào Duy