Sản phẩm "Máy rửa bát đĩa thông minh" Với mong muốn giúp người nội trợ thực hiện công việc hàng ngày tiết kiệm thời gian để làm những công việc gia đình khác, em Nguyễn Thanh Bình đã sáng chế máy rửa bát đĩa thông minh.
Sau nhiều lần tìm hiểu cấu tạo của những chiếc máy rửa bát hiện có trên thị trường, Bình bắt tay vào tìm vật liệu từ những đồ vật đã hỏng cũ ở nhà để thực hiện ý tưởng. Để chế tạo được máy rửa bát, em đã phải vẽ lại bản thiết kế và tháo ra lắp lại mô hình nhiều lần mới hoàn thành được ý tưởng đúng như em tưởng tượng.
Máy rửa bát đĩa thông minh của học sinh Nguyễn Thanh Bình có cấu tạo gồm: ống dẫn nước, động cơ bơm dung dịch nước rửa bát, nút điều khiển, bộ phận sấy khô và ống nước thải. Người sử dụng chỉ cần khởi động máy và chọn các chế độ phù hợp với lượng bát đĩa cần rửa trên bảng điều khiển, máy sẽ tự động hoạt động.
Trong quá trình máy bơm nước và dầu vào buồng rửa, các giá để bát đĩa cũng đồng thời quay đảo chiều nhờ động cơ bên dưới, giúp nước và dầu được phun đều vào cả những góc khuất của bát đĩa.
Kết thúc chu trình rửa, hệ thống sấy khô và khử trùng được kích hoạt giúp bát đĩa khô thoáng. Thời gian rửa sạch tùy thuộc vào lượng bát đĩa và chế độ mà người dùng lựa chọn ban đầu. Với loại máy rửa bát này, người sử dụng có thể rửa tối đa là 9 bát đĩa.
Với hiệu quả bước đầu của sản phẩm này, thời gian tới, Bình sẽ tiếp tục phát triển mô hình chiếc máy rửa bát thông minh theo hướng kết hợp thêm hệ thống nóng lạnh và điều khiển từ xa. Khi đó, người sử dụng dù ở bất cứ nơi nào trong nhà vẫn có thể kích hoạt được máy.
Sản phẩm này đã đạt nhiều giải thưởng, từ cấp thành phố đến cấp tỉnh, trong đó đoạt giải Nhì tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và hiện với sự hướng dẫn, góp ý của ban giám khảo, em đã bổ sung và hoàn thiện lại mô hình trước khi dự cuộc thi sáng tạo Robocon Việt Nam 2017.
"Mũ bảo hiểm tự kêu cứu, tự lọc không khí"
Là những học sinh của trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, em Đinh Quốc Bảo và Nguyễn Hữu Đức Anh, lớp 10 chuyên Tin chia sẻ, qua thực tế và các phương tiện nghe, nhìn, chúng em thấy có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên đoạn đường vắng, nạn nhân không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời dẫn đến hậu quả xấu. Cùng với đó, vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao, chúng em đã nảy ra ý tưởng sáng chế mũ tự kêu cứu và lọc không khí, với mục đích giúp ích cho người tham gia giao thông.
Sản phẩm mũ bảo hiểm này có các tính năng như đảm bảo an toàn, hợp chuẩn, tự cầu cứu tại chỗ bằng âm thanh, ánh sáng và báo tọa độ bị nạn qua điện thoại cho người thân, đồng thời lọc bụi và một số khí thải trong không khí cho người sử dụng.
Chiếc mũ được hoạt động theo nguyên lý, không khí được hút vào mũ qua bộ phận bơm khí, sau đó chuyển qua khoang lọc 1 chứa nước vôi trong nhằm loại bỏ khí CO2 và các hạt bụi, tiếp đến chuyển qua khoang lọc 2 chứa than hoạt tính loại bỏ không khí độc và các hạt bụi, sau khi đã lọc bụi và một số khí thải mới được đưa đến cho người sử dụng. Bên cạnh đó, chiếc mũ còn được lắp các thiết bị như đèn, chip điện tử để khi có tai nạn xảy ra, các chức năng báo hiệu đèn sẽ được kích hoạt.
Chiếc mũ tuy được lắp ráp nhiều hệ thống nhưng lại có hình dáng giống mũ bảo hiểm bình thường, các mạch lắp từ các modul dùng chip dán nên rất gọn, nhẹ, có thể đội thoải mái mà không cảm thấy vướng víu khi sử dụng. Mũ được sử dụng cho toàn bộ những người tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, xe tự chế.
Mũ sử dụng được trong mọi vùng miền, trong mọi điều kiện thời tiết và có chế độ tự nạp điện bằng pin mặt trời, trạng thái chờ không tiêu thụ điện năng. Khi người sử dụng không may bị tai nạn, chiếc mũ sẽ tự phát ra âm thanh, ánh sáng để cầu cứu. Đồng thời, chiếc mũ sẽ tự gửi tin nhắn báo địa điểm tai nạn cho người thân qua 3 số điện thoại mà người sử dụng đã cài đặt.
Sản phẩm "Mũ bảo hiểm tự kêu cứu, tự lọc không khí" của Đinh Quốc Bảo và Nguyễn Hữu Đức Anh đã đạt giải cao trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, đạt giải nhì thuộc lĩnh vực Vật lý và Thiên văn tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.
Bài, ảnh: Hạnh Chi