Một chiều cuối tháng 7/2022, trong cái nắng gắt gao đến cháy da, bỏng rát, chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc, thị trấn An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là trại giam tù binh trung tâm toàn Việt Nam Cộng hòa, từng giam giữ hơn 32 nghìn tù binh. Đến năm 1995, nơi đây được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Từ đó đến nay, nhà tù được mở cửa cho du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Tháng 7, thăm di tích nhà tù Phú Quốc
Sau khi thực hiện nghi thức tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sỹ, các chiến sĩ cộng sản tại Bia tưởng niệm của Khu di tích lịch sử, chúng tôi theo hướng dẫn viên đi dọc con đường với chằng chịt dây thép gai đã hoen gỉ theo thời gian do cái nắng, cái gió cùng vị mặn mòi của vùng biển Phú Quốc. Bước qua cánh cửa và hàng rào dây thép gai xiên lỗ chỗ lên nền trời xanh là khu vực nhà tù cũ được tái dựng theo ghi nhớ của các nhân chứng lịch sử.
Đập vào mắt chúng tôi là những hộp container được xếp khối u ám trên bãi đất trống, những "chuồng" dây thép gai thít chặt người tù ở những tư thế cố định không thể nằm cũng không thể ngồi.
Anh Trần Hùng Hướng, hướng dẫn viên Công ty Phú Quốc Today Travel cho biết: Những chiếc hộp container kia rất kín và nóng, được gọi là "chuồng cọp Catso". Chuồng cọp làm bằng sắt tấm bịt kín 4 mặt, không ánh sáng, thiếu không khí, chỉ cần đứng bên cạnh đã nóng rát, ngột ngạt. Vậy mà năm xưa là nơi ăn, ở, sinh hoạt cá nhân của gần chục tù nhân cách mạng.
Gần kề bên đó, trên nền đất nóng, khoảng chục chiếc "chuồng" dây thép gai thít chặt người tù ở tư thế cố định. Tư thế không hẳn nằm, không thể đứng và cũng không thể là ngồi, chỉ cần hơi cử động, gai thép sắc nhọn sẽ cứa vào da thịt. Chỉ cần nhìn những phiên bản cai ngục tra tấn tù nhân bằng đủ hình thức tàn bạo, phi nhân tính đã đủ làm người xem rợn người. Trời đầu chiều nắng gắt nhưng nhiều người vẫn rùng mình ớn lạnh khi bước chân vào nơi đây.
Chị Mai Thị Hoa Lan, du khách tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Tôi được biết đến những thông tin về nhà tù Phú Quốc qua lịch sử và trên phương tiện truyền thông. Nhưng đến đây, tận mắt thấy những cảnh này thì không cần phải tưởng tượng. Những cảnh tái hiện các hình thức bị tra tấn dã man đối với các tù nhân cách mạng đủ thấy họ đã chịu nỗi đau thể xác như thế nào. Không thể kìm lòng được, nước mắt cứ tự rơi và khâm phục, biết ơn vô cùng những hi sinh, chịu đựng quá lớn của cha ông ta.
Anh Trần Hùng Hướng, hướng dẫn viên Công ty Phú Quốc Today Travel cho biết thêm: Nhà tù Phú Quốc được xây dựng từ năm 1953 và tồn tại đến khoảng năm 1973. Với diện tích 400ha, chia thành các khu và phân khu. Giai đoạn cao điểm, nơi đây giam giữ khoảng 40.000 tù binh. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt, xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24h và 10 vọng gác lưu động, hoàn toàn tách biệt với bên ngoài.
"Chuồng" dây thép gai nhốt tù nhân cách mạng tại Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc.
Từ một nhà tù với quy mô gần 500 nhà giam, đến nay chỉ còn lại 4 nhà nguyên gốc, cùng một số cổng chào, bộ khung cửa các nhà giam, nền đá... Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình như: 5 nhà tiền chế, gồm nhà giam, nhà ăn, nhà bếp và hai nhà canh giữ của giám thị; phục hồi đường ngầm vượt ngục, một đoạn hàng rào kẽm gai giống như cũ, chòi canh, chuồng cọp, đài tưởng niệm ở nghĩa địa tù binh và nhà trưng bày bổ sung di tích… Năm 2005, các hạng mục này được hoàn thành đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước.
Theo đại diện Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc, vào tháng 7 hàng năm, dịp kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sỹ 27/7 luôn có đông hơn những du khách tìm đến đây tham quan, tìm hiểu lịch sử. Mỗi năm, Khu di tích đón hơn 10 nghìn lượt khách. Đặc biệt, hàng năm, luôn có những tù nhân năm xưa tuy đã cao tuổi, nhưng vẫn vượt quãng đường xa trở về thăm lại chốn địa ngục đã từng giam giữ mình. Đồng thời, nhiều khách tham quan trung tuổi, trẻ tuổi và cả những người nước ngoài, hầu hết đều không bỏ qua di tích lịch sử này trong lịch trình tham quan tại đảo Phú Quốc.
Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc năm xưa - Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc hôm nay, theo thời gian đã không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng những gì còn lại như một chứng tích lịch sử xác thực tố cáo tội ác vô cùng man rợ của Mỹ-Ngụy đối với các tù binh cộng sản. Nơi đây cũng khẳng định tinh thần bất khuất, đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng, góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Tháng 7 về gợi lại ký ức đau thương và hào hùng của dân tộc. Hàng triệu người đã ngã xuống. Biết bao bà mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, nhiều người mất mát một phần thân thể hoặc sống chung với nỗi đau do bom, đạn trong cơ thể... để có được độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cuộc sống thanh bình, đầy đủ hôm nay đã phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh...
Tri ân những gia đình chính sách, những người đã "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", những ngày này, trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa được thực hiện. Đó là các hoạt động về nguồn: Thắp hương tưởng nhớ, thăm lại chiến trường xưa, vùng kháng chiến cũ...; thăm, tặng quà các Mẹ VNAH, các thương bệnh binh, gia đình chính sách; xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội, nhà tình nghĩa; thăm viếng, trùng tu các nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm... phần nào thể hiện sự trân trọng, tấm lòng biết ơn đến gia đình chính sách, người có công với cách mạng.