Virus lây nhiều nhất trong tháng là W32.VetorL.PE, lây nhiễm trên 73.000 máy tính.
78 website Việt Nam bị hacker tấn công trong tháng qua, trong đó có 33 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 45 trường hợp do hacker nước ngoài tấn công.
Ngoài ra, các lỗ hổng nghiêm trọng đã được phát hiện tại website của 10 cơ quan thuộc ngành báo chí, y tế, trường đại học. Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS ngày 7/5 cho biết.
Cũng theo ông Quảng, tháng Tư ghi nhận sự gia tăng đột biến của Rookit Gameonline. Đã có tới 107 dòng rootkit mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều gấp rưỡi so với tháng Ba, trong đó, trên 80% là các rootkit GameOnline.
Đây là loại rootkit được hacker sử dụng để "bảo vệ" cho các virus GameOnline (dòng virus tấn công các phần mềm game trực tuyến để lấy cắp mật khẩu và các thông tin về tài khoản của game thủ).
Để phòng chống rootkit, người dùng cần sử dụng phần mềm diệt virus thường xuyên được cập nhật các mẫu nhận diện mới nhất chứ không nên tự xử lý rootkit. Do rootkit đã kiểm soát được hệ thống, nếu tự xử lý thủ công sẽ có thể làm cho hệ điều hành bị hỏng và gây ra mất mát dữ liệu.
Cũng trong tháng qua, BKIS đã nhận được đề nghị đánh giá hệ thống mạng của một số cơ quan chính phủ. Kết quả cho thấy, hầu hết những hệ thống đó không đảm bảo an ninh mặc dù thiết bị an ninh mạng đã được đầu tư đầy đủ.
Trong đó, nhiều thiết bị rất đắt tiền nhưng mới chỉ được cấu hình sử dụng các tính năng cơ bản, nên năng lực của thiết bị chưa được tận dụng hết. Kết quả là hệ thống mạng vẫn không được đảm bảo an ninh và gây nên sự lãng phí lớn.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hệ thống thiếu một thiết kế tổng thể, đồng thời không có quy trình vận hành hệ thống mạng và an ninh mạng. Để giải quyết tình trạng trên, theo BKIS, các cơ quan/doanh nghiệp cần bố trí nhân lực chuyên trách về an ninh mạng, đồng thời liên hệ với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.
Theo TPO