Lãi suất cao hơn tín dụng đen
Nguyễn Thị H (Đại học Hoa Lư) buồn rầu chia sẻ câu chuyện với chúng tôi: Tháng trước mẹ em ốm phải nhập viện Hà Nội, chạy vạy khắp nơi cũng chỉ có 10 triệu, trong khi đó bệnh viện yêu cầu phải nộp tiền ứng trước. Bí quá em đã vay 2 triệu qua mạng để trang trải nhưng do vội vàng chưa tìm hiểu kỹ nên khoản vay của em hiện tại phải trả lãi 24 nghìn/ngày, tương đương lãi suất 1,2%/ngày, mỗi 1 triệu vay lãi 12 nghìn/ngày, cao hơn cả vay ở các tiệm cầm đồ. Nhưng vay nóng ở các tiệm cầm đồ cần tài sản thế chấp nên em không có khả năng vay. Vay qua mạng thì thủ tục đơn giản, chỉ cần CMND, điện thoại… sau 3 tiếng đồng hồ em đã nhận được tiền sau khi có cuộc gọi kiểm tra về thông tin của em. Ngoài khoản lãi, em còn phải trả 150 nghìn tiền dịch vụ, chưa kể đến nếu không trả đủ hạn thì mức lãi suất còn tăng cao hơn nhiều. Giờ em đang phải cố gắng vay bạn bè để thanh toán khoản vay qua mạng mà vì mình quá nóng vội không tìm hiểu kỹ.
Câu chuyện của H là tình trạng chung của nhiều người khi đăng ký vay qua mạng với những lời quảng cáo có cánh như chỉ cần CMND, số điện thoại, không cần tài khoản thế chấp, giải ngân chậm nhất là 24 giờ. Tìm hiểu về hình thức vay nóng qua mạng này, chúng tôi không khỏi giật mình khi vừa tra từ khóa "vay tiền online" đã có vô số những trang hiển thị nhiều như nấm sau mưa. Đi kèm với đó là những lời quảng cáo hấp dẫn như "thủ tục vay siêu nhanh", "vay siêu đơn giản với gần 100% đơn xin vay vốn được chấp nhận"… Theo tìm hiểu của chúng tôi, lãi suất cho vay từ các trang này khá cao, trung bình từ 450 đến hơn 1.000%/năm nhưng rất nhiều người tìm đến vì thủ tục đơn giản, không cần thế chấp hay chứng minh tài chính, thậm chí còn đơn giản hơn tín dụng đen rất nhiều.
Cho vay trực tuyến đang ngày càng nở rộ với ưu điểm là nhanh chóng và tiện lợi, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19, nhiều người mất việc, kẹt tiền mặt hoặc có việc ốm đau đột xuất đã trang trải hết từ làn sóng COVID-19 lần 1. Tuy nhiên, điều gì ẩn sau những câu chuyện cho vay "nóng" đó? Thời gian gần đây, một vài ứng dụng cho vay trực tuyến được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua. Không phải bởi những ưu điểm như duyệt hồ sơ nhanh, giải ngân tức khắc... mà chính khoản lãi suất "cắt cổ" mới là điều khiến nhiều người có ý định tìm đến các khoản vay trên thị trường phi chính thức phải choáng váng. Có 1 ứng dụng khá phổ biến hiện nay là người vay lần đầu chỉ được vay 1,7 triệu đồng, nhưng thực tế nhận về chỉ là 1,428 triệu đồng, công ty sẽ thu 272 nghìn đồng tiền phí dịch vụ.
Trong 8 ngày, người vay phải trả 2,040 triệu đồng (trong đó 1,7 triệu đồng tiền gốc và 340 nghìn đồng tiền lãi trong 8 ngày), nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102 nghìn đồng/ngày. Trên facebook, zalo, có 1 ứng dụng được nhiều người có nhu cầu vay không thế chấp quan tâm là HomeCredit. Theo đó, người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1,5 triệu đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900 nghìn đồng, số còn lại là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1,5 triệu đồng. Người vay tiền nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2% đến 5%/ngày. Như vậy, với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm, mức lãi khủng khiếp mà hiếm ai có khả năng chi trả. Tuy nhiên, khi vay qua mạng, người dùng cũng chỉ có ý định vay nóng trong 1, 2 tháng và số tiền ít nên ít ai tính đến việc số lãi mình phải trả là bao nhiêu phần trăm, lúc đó chỉ cần có tiền rồi xoay sau, bất chấp lãi suất. Thường những người vay online là học sinh, sinh viên hoặc công nhân có thu nhập thấp, chỉ vay 2 đến 10 triệu nên những dịch vụ này vẫn phát triển mạnh, mọc lên ngày càng nhiều và được nhiều người tìm đến vì rất đơn giản, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trong tay, có tài khoản fcaebook, zalo. Mạng thì ảo nhưng lãi suất cắt cổ khi vay qua mạng thì không ảo chút nào.
Cần những chế tài mạnh
Ngoài việc lãi suất "cắt cổ", các thủ tục vay trực tuyến cũng tương đối giống việc vay nặng lãi bên ngoài khi khách hàng cũng phải để lại số điện thoại đồng nghiệp, người thân để bên cho vay gọi điện xác nhận. Trường hợp không liên lạc được với người vay, đây sẽ là những số điện thoại sẽ bị nhắc tới để đòi nợ. Thậm chí, toàn bộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, số CMND, địa chỉ… của người đi vay cũng sẽ bị bên cho vay nắm giữ. Nguyễn Văn N, một chủ cầm đồ trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho biết: Hiện tại chúng tôi cũng phải cạnh tranh khá gay gắt với hình thức cho vay trực tuyến .Thông thường cho vay có đồ thế chấp chỉ lấy của khách 2.000-4.000 đồng/triệu/ngày. Nếu vay không đồ thế chấp lãi cũng chỉ tối đa 5.000-7.000 đồng/triệu/ngày chứ chưa tới mức trên 10.000 đồng như vay trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tìm đến vay trực tuyến vì nghĩ vay cầm đồ có yếu tố xã hội đen mà không nghĩ chính các công ty tài chính cho vay qua mạng kia mới ẩn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều khách hàng đã khóc lóc vì khoản nợ trả rồi mà Công ty vẫn nheo nhéo gọi điện nhắc nợ, cho vay thì dễ nhưng đến khi khiếu kiện vì sao lại thế thì như kiện củ khoai, mãi không được hồi đáp. Chưa kể đến nếu như không trả đủ, trả kịp sẽ bị đe dọa bôi nhọ, tung ảnh lên trang mạng xã hội.
Thực chất, vay online nếu xét công bằng có tác động 2 mặt. Về mặt tích cực, nó giúp giải quyết được nhu cầu cấp thiết tạm thời của một bộ phận dân cư, xã hội; là một trong những hình thức tài chính tiêu dùng trong nền kinh tế, tạo thanh khoản tốt hơn nếu lãi suất trong khoản cho phép. Dù vậy, mặt trái của nó cũng thể hiện ở chỗ các chủ thể giới thiệu cho vay hoặc vay không mang tính chính danh nên mang lại nhiều rủi ro với người cho vay; biểu mẫu hợp đồng, lãi suất không được quy định rõ ràng khiến người cho vay cũng dễ mất vốn. Hơn nữa, hầu hết các trang cho vay trực tuyến hiện nay đều núp bóng công ty tài chính, áp dụng mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, có yếu tố tín dụng đen, làm ảnh hưởng đến một số công ty tài chính uy tín, đã được cấp phép hoạt động. Nhiều ngân hàng cũng đã mở dịch vụ cho vay trực tuyến qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh để khách hàng có điều kiện tiếp cận với các gói tín dụng tiêu dùng chính thống nên việc các công ty tài chính dạng tín dụng đen hoạt động ngang nhiên, tràn lan trên mạng xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của các ngân hàng thương mại, làm người dân hoang mang, mất niềm tin vào toàn bộ các dịch vụ trên thị trường tài chính tiêu dùng.
Đã đến lúc cần những chế tài mạnh, những hình thức xử lý cứng rắn và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng, các ngân hàng thương mại để đẩy lùi tín dụng đen trong cho vay tiêu dùng trực tuyến. Để làm được điều này, trước hết, cơ quan chức năng cần có hình thức quản lý, cấp phép chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính. Khi phát hiện những tổ chức, cá nhân vi phạm, cần có hình thức xử lý mạnh tay, tuyên truyền sâu rộng để người dân biết và tránh. Hơn nữa việc quản lý các trang mạng xã hội như facebook, zalo cần chặt chẽ hơn, không để người dân mắc bẫy từ những lời quảng cáo có cánh trên mạng. Các ngân hàng thương mại cần khuyến cáo khách hàng tải app chính thống, có logo thương hiệu nhận diện của mình để giúp người dân tránh được những trang cho vay không đáng tin cậy, lãi suất cao so với quy định của ngân hàng Nhà nước. Về phía người tiêu dùng, khi đứng trước lựa chọn phải vay nhanh, vay trực tuyến, cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về tổ chức, cá nhân cho vay; về lãi suất, kỳ hạn, hình thức trả nợ và những điều kiện kèm để bảo đảm quyền lợi bản thân cũng như những hệ lụy khi trả không đúng hạn hay mất khả năng chi trả.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh