Khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sạchDẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng dưa chuột được trồng trên bãi bồi ven sông, Ngô Thái Dương cho hay, đây là vụ thứ 2 anh trồng dưa trên mảnh đất này - mảnh đất mà trước kia là ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, chưa từng có ai thu hoạch thành công 2 vụ lúa/năm. Vậy mà hôm nay, khắp cánh đồng đã và đang được chàng trai trẻ này "phân lô", quy hoạch gọn bờ vùng, bờ thửa thành những vườn cây trái xanh mướt.
Nhìn cánh đồng xanh mướt ấy, chúng tôi bày tỏ cảm phục, Ngô Thái Dương cười, phân trần: Các cụ xưa có câu "người lười chứ đất có lười đâu", chính vì suy nghĩ như vậy nên tôi đã quyết định lựa chọn nông nghiệp để khởi nghiệp sau nhiều năm bôn ba lao động nơi xứ người....
Sinh năm 1986 ở xã Yên Từ (Yên Mô), Ngô Thái Dương lớn lên rồi theo học nghề cơ khí và đã từng đi theo các công trình ở nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Những năm tháng xa quê hương, mỗi lần ra chợ nông sản, Dương đều tự hỏi cũng là quả dưa chuột, cũng là mớ rau nhưng tại sao giá trị các mặt hàng nông sản này trên đất nước bạn lại đắt gấp nhiều lần so với nông sản quê nhà? Những tiểu thương ở các khu chợ đã giải thích cho Dương, đó là vì ở đất nước họ, diện tích sản xuất nông nghiệp ít, hơn nữa đầu tư cho nông nghiệp sạch rất cao, do đó, giá thành sản phẩm cũng cao. Câu chuyện về sản xuất nông nghiệp trên đất nước bạn đã khiến Dương quyết định về nước lập nghiệp tại quê hương. Và sản xuất nông nghiệp sạch là lựa chọn cho sự khởi đầu của Dương.
Với 1,2 mẫu ruộng ban đầu của gia đình và nguồn vốn vay ít ỏi từ người thân, Dương bắt tay vào đào ao thả cá và trồng một số cây rau màu, cây ăn quả ngắn ngày như táo, ổi… Không có nhiều kiến thức trong sản xuất nông nghiệp sạch, Dương đã lặn lội đi tìm hiểu một số mô hình trồng rau, củ, quả an toàn ở trong và ngoài tỉnh, đồng thời tìm hiểu thêm trên mạng, sách, báo...
Sản xuất theo hướng sạch nên các loại sản phẩm nông sản của Dương đã được nhiều tư thương đến tận nơi thu mua, thậm chí một số siêu thị trên Hà Nội cũng đã về đặt hàng. Thành công bước đầu, Dương quyết định đấu thầu thêm một số diện tích của các hộ xung quanh để mở rộng sản xuất theo quy mô lớn. Đến nay, mô hình của Dương được nhân rộng trên 3 ha.
Sau gần 3 năm khởi nghiệp, đến năm 2016, trên diện tích hơn 3 ha, Dương đã thu hoạch được hàng chục tấn rau, củ, quả sạch các loại. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, Dương còn thu gần 100 triệu đồng từ nuôi cá. Hiện nay, mô hình của anh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động và những ngày cao điểm lên tới hơn 10 người. Nói về thu nhập của mình, Dương nhẩm tính, rồi bảo: trừ chi phí mỗi năm cũng "bỏ túi" được 500 triệu đồng! Tuy vậy, để có được thành công như hôm nay là điều không hề dễ dàng.
Dương chia sẻ: Năm 2013 khi mới về nước, tôi từng lựa chọn nuôi cá chạch thương phẩm và chạch giống. Nhưng do quá sức với tiềm lực kinh tế và thiếu kinh nghiệm nên mô hình đã thất bại, lỗ gần 1 tỷ đồng. Rồi khi bắt tay vào trồng nông sản sạch, tôi cũng từng bị thất bại ngay trong vụ đầu tiên với cây dưa chuột, cũng là do thiếu kiến thức nên cây dưa bị úng nước, phải bứt đổ đi gần 20 tấn dưa...
Những thất bại khi khởi nghiệp khiến Dương hiểu rằng, ngoài việc chuẩn bị cho mình một ý tưởng tốt, nguồn vốn thì cần có nhiều yếu tố khác như: kiến thức, kỹ năng và tâm lý vững vàng để không nản chí trước thất bại. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương và những tín hiệu tốt lành từ mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, năm 2017, Dương quyết định đấu thầu thêm đất của các hộ trong xã, nâng quy mô lên 6 ha để trồng thêm nhiều loại rau, củ, quả trái vụ. Dương cho biết: Thời gian tới tôi sẽ tìm hướng liên kết với các công ty xuất khẩu và các siêu thị để đảm bảo đầu ra ổn định và tiêu thụ sản phẩm sạch với giá cao.
Đúc trấu thành củi- câu chuyện làm giàu của thanh niên Tống Văn Chính
Mô hình sản xuất than củi trấu của anh Tống Văn Chính ở xã Khánh Vân (Yên Khánh).
Vỏ trấu - một phụ phẩm nông nghiệp chỉ có giá 300 đồng/1kg thế nhưng nó lại là nguồn nguyên liệu quý giúp chàng trai trẻ Tống Văn Chính ở xã Khánh Vân (Yên Khánh) làm giàu.
Cầm trên tay những thanh củi được ép từ trấu, Chính vui vẻ cho biết: Mỗi kg củi này được tạo thành từ hơn 1kg trấu và nó có giá 2.000 đồng/1kg, như vậy trừ chi phí, từ 1 kg trấu, người sản xuất sẽ thu lời 600-700 đồng.
Câu chuyện đúc trấu thành củi của Tống Văn Chính đã thực sự lôi cuốn chúng tôi bởi tinh thần khởi nghiệp đầy đam mê của chàng trai 9X. 27 tuổi, hiện Chính đã có trong tay một nhà xưởng sản xuất than củi trấu lớn, uy tín trong và ngoài tỉnh. Anh hiện là thành viên của Hội Liên hiệp than củi trấu Ninh Bình. Nhìn cơ ngơi mà Chính có được như ngày hôm nay ít ai biết được rằng anh từng có một khởi đầu lập nghiệp đầy gian khó.
Anh Kể: Khi đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội tôi đã phải bỏ học vì bố tôi qua đời, kinh tế gia đình vì thế gặp không ít khó khăn. Rời giảng đường, tôi đi làm thuê ở Campuchia để phụ giúp mẹ nuôi 2 em ăn học. Năm 2010, được người thân giới thiệu tôi biết đến mô hình đúc trấu thành củi.
Tìm hiểu trên Internet, tôi nhận thấy đây là mô hình tốt để mình áp dụng, bởi thị trường tiêu thụ rộng, phù hợp với điều kiện ở các vùng quê. Cũng ngay trong năm 2010, được họ hàng tạo điều kiện hỗ trợ cho mượn diện tích để làm nhà xưởng, tôi quyết định vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trên diện tích 300 m2, Chính đã đầu tư 220 triệu đồng vào việc xây nhà xưởng và mua máy móc. Khi bắt tay vào thực hiện mô hình, Chính gặp không ít khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm vì nguồn trấu ở Yên Khánh và các vùng phụ cận chỉ đủ phục vụ cho xưởng sản xuất dùng trong 6 tháng, còn lại anh phải đi thu mua từng bao trấu từ các cơ sở xay xát ở các tỉnh ngoài như Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam...
Bên cạnh đó, vì nguồn vốn đầu tư không nhiều nên anh phải mua lại máy cũ để sản xuất. Máy móc lạc hậu, kinh nghiệm chưa nhiều nên năm đầu gần như cơ sở sản xuất của Chính hòa vốn, thậm chí lỗ vì nguồn trấu khan hiếm, sản xuất không đủ theo đơn đặt hàng của khách, anh đành chấp nhận đi thu mua than củi trấu ở các cơ sở khác với giá thành cao để giữ chữ tín với khách hàng.
Trước khó khăn, Chính chưa từng có ý định lùi bước. Anh đã tự nghiên cứu, tìm hiểu và cải tiến thành công bộ phận ống nhiệt của máy ép trấu để giúp tăng nhiệt, định hình than củi, làm cho sản phẩm đẹp hơn và có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Chính cho biết: Than củi trấu được sử dụng nhiều trong sản xuất xi măng trắng, đặc biệt có thể dùng nấu rượu, sấy nấm hoặc dùng trong các bếp ăn tập thể. So với than đá thì than củi trấu có nhiều ưu điểm hơn, đó là nhiệt độ đốt trong lò cao hơn so với than đá khoảng 220 độ, không ô nhiễm môi trường, hiệu suất sử dụng cao, do vậy giá thành than củi trấu rẻ hơn rất nhiều so với than đá.
Hiện nay, sản phẩm than củi trấu của cơ sở do Chính sản xuất đã cung cấp ổn định cho các Công ty xi măng ở Thái Bình, Hà Nam… và một số cơ sở khác trong tỉnh. Năm 2016, cơ sở sản xuất than củi trấu của anh Chính xuất bán hơn 400 tấn sản phẩm, đem về tổng doanh thu hơn 800 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở sản xuất than củi trấu của Chính còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay Chính đang ấp dủ dự định mở rộng quy mô mô hình để góp phần giải quyết bài toán phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo thêm cơ hội để thanh niên nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy vậy, để dự định thành công, Chính mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợcủa tổ chức Đoàn, chính quyền về vốn, mặt bằng.
Bài, ảnh:Đinh Ngọc