Hiện, trên địa bàn tỉnh ta có trên 20.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Với truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", thời gian qua, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã được nhân dân trong tỉnh nhiệt tình tham gia và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục nhằm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng từ nhiều năm trong thực hiện chính sách người có công. Đến nay, về cơ bản những hồ sơ tồn đọng trước đây đã được giải quyết. Trong năm, tỉnh ta đã quyết định cho 277 đối tượng hưởng BHYT, trợ cấp ưu đãi cho 9.000 học sinh, sinh viên. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ cấp lại 2.591 bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sỹ. Tỉnh ta cũng thẩm định 781 hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong năm đã có 622 Mẹ được tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nâng tổng số Mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn tỉnh lên 987 Mẹ.
Các chế độ, chính sách ưu đãi khác cũng được các địa phương quan tâm thực hiện chu đáo và đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ như: chế độ chăm sóc sức khỏe, tổ chức cho người có công đi điều dưỡng tập trung tại các cơ sở điều dưỡng trong và ngoài tỉnh, điều dưỡng luân phiên tại gia đình, gặp mặt, động viên, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp những ngày lễ, Tết, thực hiện các chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là con của người có công…
Ngoài việc đáp ứng đầy đủ, chính xác, kịp thời các chế độ, quy định của Nhà nước, tỉnh ta còn có những chính sách riêng, phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu của từng đối tượng như: Hỗ trợ xây mới, nâng cấp nhà ở, trợ cấp thường xuyên, mua thẻ bảo hiểm y tế… Đến nay, toàn tỉnh đã xây mới được gần 500 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa 400 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng, trong đó ngân sách của tỉnh là 9,4 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã là 1,2 tỷ đồng, còn lại là các tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí Trung ương, đã hỗ trợ nhà ở cho 534 lão thành cách mạng, 115 cán bộ tiền khởi nghĩa với tổng kinh phí 27.284 triệu đồng.
Với kết quả này, Ninh Bình là một trong những tỉnh tiêu biểu của cả nước trong việc xóa nhà dột nát cho gia đình người có công. Đặc biệt, tỉnh ta đã vận động nhân dân ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đạt gần 7.000 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã và các xã, thị trấn xây dựng, tu sửa, nâng cấp các công trình tưởng niệm liệt sỹ gồm 42 nghĩa trang liệt sỹ, 14 đài tưởng niệm liệt sỹ, 57 nhà Bia ghi tên liệt sỹ. Cũng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", nhiều gia đình chính sách được hỗ trợ về vốn, giống, KHKT để có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên cải thiện cuộc sống.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" ngày càng phát triển trong cộng đồng. Nhiều tổ chức, địa phương, tập thể, cá nhân đã phát huy mọi điều kiện, khả năng của mình để làm nhiều việc tốt, đền ơn đáp nghĩa. Nổi bật là một số địa phương: Yên Mô, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình… với những việc làm thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, vườn cây, ao cá tình nghĩa, dụng cụ gia đình tình nghĩa… Nhiều doanh nghiệp cũng đã tham gia thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tiêu biểu như: doanh nghiệp Xuân Trường thường xuyên duy trì các hoạt động thăm hỏi, tặng quà thương, bệnh binh, tích cực đóng góp vào Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", đặc biệt doanh nghiệp Xuân Trường đã hỗ trợ trên 2 tỷ đồng cho chương trình "Trái tim cho em", trong đó ưu tiên con của người có công; Tập đoàn kinh tế Xuân Thành cũng đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho chương trình "Trái tim cho em"; Chi nhánh Viettel Ninh Bình tặng quà, sổ tiết kiệm cho tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh nặng. Những hoạt động đậm tính nhân văn này đã tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ gia đình chính sách vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn quan tâm nâng cao mức sống cho gia đình chính sách bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư. Kết quả này chính là ngọn nến ấm áp nhất để tỉnh ta tri ân những đóng góp to lớn vào nền độc lập dân tộc của thế hệ cha ông.
Đặc biệt, chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng giai đoạn 2014-2015 của ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã được tỉnh ta xác định là cơ hội lớn nhằm rà soát làm rõ danh sách những người có công và gia đình người có công đã được hưởng, chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước để xây dựng kế hoạch giải quyết trong các năm sau.
Đồng thời phát hiện kịp thời những vấn đề chưa hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để kiến nghị với Nhà nước điều chỉnh trong thời gian tới… Kết quả, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác rà soát 36.267 đối tượng người có công tại 145 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 33.077 đối tượng hưởng đúng chế độ (chiếm 91,2 %); 3.165 đối tượng hưởng chưa đầy đủ chế độ ưu đãi (chiếm 8,72%)… Với kết quả này, Ninh Bình được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao, là tỉnh làm tốt và triển khai tổng rà soát sớm nhất toàn quốc.
Đào Hằng