Đối với nhóm đối tượng hộ gia đình, cần quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để tăng tỷ lệ người tham gia BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của họ khi đi khám, chữa bệnh. Bởi sắp tới đây, khi quy định về điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí khám, chữa bệnh có hiệu lực, nếu không có thẻ BHYT, người bệnh sẽ phải chịu chi phí khám, chữa bệnh khá cao, có khi còn vượt quá khả năng, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình nếu mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo…
Dù đã ra viện được 2 tháng nay, nhưng với gia đình anh Hoàng Văn Tùng (xã Khánh Thủy, Yên Khánh), số tiền để vợ đi mổ ruột thừa vẫn là số nợ khó có thể trả sớm cho họ hàng. Lấy nhau khi cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định, nên chưa bao giờ vợ chồng anh có suy nghĩ đến việc mua tấm thẻ BHYT bởi "mình còn trẻ, mấy khi mà ốm đau vào viện cấp cứu mà mua thẻ bảo hiểm cho phí tiền…".
Thế nhưng, trong một lần đang ngồi trông con, chị Giang vợ anh lên cơn đau bụng dữ dội. Vào nhập viện rồi, vì không có thẻ BHYT nên khi được yêu cầu nộp tạm ứng viện phí, anh Tùng lúng túng, đành phải vay tạm của mấy người họ hàng mới đủ số tiền nộp. Khi ra viện, theo tính toán của 2 vợ chồng, tổng chi phí cả điều trị, phẫu thuật, thuốc men, ăn uống, đi lại mất gần 6 triệu đồng. Với công việc không ổn định, lại đang nuôi con nhỏ, cả 2 vợ chồng chưa biết tính thế nào với khoản nợ trước mắt…
Một lần vào thăm người bác đi điều trị tại Khoa Ngoại (Bệnh viện đa khoa tỉnh), trong lúc trò chuyện với người nhà các bệnh nhân cùng phòng, điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là hỏi đến người nào cũng thấy lắc đầu không có thẻ BHYT. Lúc đó, tôi đã phải "vận dụng" hết những kiến thức, thông tin về BHYT để trò chuyện, dặn dò họ nên tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp, nhưng sự trả lời vô tư của họ khiến tôi khá suy nghĩ: "Ôi dào, tự dưng tham gia BHYT làm gì, mất những 500 - 600 nghìn một tháng, tiền ăn còn trả đủ…", rồi là "khi nào ốm đau mới mua, chứ lúc khỏe mua làm gì…".
Trong những lần đi tác nghiệp tại các bệnh viện trong tỉnh, nhiều bác sỹ đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xung quanh việc tham gia BHYT của người dân. Theo các bác sỹ, phần lớn người bệnh không có thẻ BHYT đều có hiểu biết chưa đầy đủ về việc tham gia BHYT, chưa có ý thức về việc chia sẻ trách nhiệm cộng đồng khi có suy nghĩ, chỉ khi nào ốm đau mới mua BHYT, còn lúc khỏe thì không cần.
Đã có trường hợp người bệnh, khi vào viện khám và phát hiện căn bệnh cần điều trị lâu dài, biết các chi phí điều trị tốn kém, cứ một mực xin bác sỹ cho mua thẻ BHYT. Với những trường hợp kể trên, bác sỹ đã thực sự trở thành một tuyên truyền viên để giải thích cặn kẽ cho người bệnh hiểu các quy định của pháp luật về BHYT.
Theo thống kê của ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh, hiện tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện toàn tỉnh rất thấp, chỉ có 64.418 người tham gia theo hình thức hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 18,49% tổng số người trong diện tham gia BHYT tự nguyện. Trong những người tham gia BHYT tự nguyện chủ yếu tập trung vào những người mắc các bệnh mãn tính, bệnh có chi phí điều trị cao. Đây cũng là kẽ hở của việc quy định đối tượng tham gia BHYT, khiến nhiều người chỉ khi mắc bệnh mới tham gia BHYT để đỡ chi phí khám, chữa bệnh, chưa có ý thức chia sẻ trách nhiệm cộng đồng.
Để phát triển đối tượng tham gia BHYT, ngành BHXH tỉnh đã phối hợp với nhiều địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm của người dân về sự cần thiết tham gia BHYT.
Trong đó, BHXH tỉnh chú trọng tuyên truyền thông qua hình thức đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động, người lao động và các đối tượng người dân, hộ gia đình. Từ năm 2011 đến nay, BHXH tỉnh đã tổ chức được một số buổi đối thoại, phổ biến chính sách BHYT cho nông dân, bà con giáo dân tại một số địa phương trong tỉnh để người dân hiểu, tự nguyện tham gia.
Tại các buổi đối thoại, cán bộ BHXH đã giới thiệu chi tiết, cụ thể các quy định của pháp luật về BHYT, quyền và trách nhiệm tham gia BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh, hướng dẫn đăng ký tham gia BHYT tự nguyện… Thực tế cho thấy, mặc dù nỗ lực của ngành BHXH và các địa phương, đơn vị có liên quan là rất đáng ghi nhận trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tuy nhiên tỷ lệ người tham gia BHYT là rất thấp, chưa tương xứng.
Tuy nhiên, với quy định mới của pháp luật về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí, nếu đối tượng hộ gia đình là nông dân, lao động tự do, kinh doanh… không tham gia BHYT thì người chịu ảnh hưởng nhất của quy định mới về giá dịch vụ chính là đối tượng này. Mục tiêu phấn đấu năm 2015 có trên 30%, đến năm 2020 có trên 50% người tự nguyện tham gia BHYT sẽ còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Lý Nhân