Theo kế hoạch, các đơn vị sẽ đồng loạt tổ chức các hoạt động Trung thu từ chiều ngày 14-9-2016 đến hết ngày 15-9-2016. Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cho học sinh nghỉ học từ chiều 14-9 đến hết ngày 15-9 để các em có thời gian vui Tết Trung thu. Trong đó, chủ yếu các đơn vị tổ chức Hội trại Trung thu tập trung cấp xã, thị trấn. Một số đơn vị không có điều kiện tổ chức hội trại Trung thu tập trung sẽ tổ chức chương trình liên hoan văn nghệ "Đêm hội trăng rằm" cấp xã, thị trấn, việc cắm trại sẽ tổ chức theo khu vực dân cư hoặc tổ chức cấp thôn, xóm, tổ dân phố. Ngoài cắm trại, các em còn được tham gia các trò chơi dân gian như: Đập niêu đất, kéo co, chơi ô ăn quan, cướp cờ, nhảy bao bố, thi bày mâm ngũ quả…
Bên cạnh đó, BTV Huyện đoàn chủ động trong công tác tham mưu mời đại diện cấp ủy, chính quyền huyện đi thăm và tặng quà cho các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu trên địa bàn tại 6 đơn vị trong huyện.
Đối với các cơ sở Đoàn trong toàn huyện, trong chiến dịch tình nguyện hè, Ban thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo cụ thể việc tổ chức các hoạt động vui Tết trung thu cho các em. Theo đó, Đoàn các xã, thị trấn chủ động trong công tác báo cáo Đảng ủy, tham mưu cho lãnh đạo UBND và Ban chỉ đạo hoạt động hè của xã, thị trấn, đồng thời phối hợp với ngành liên quan chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện cần thiết tổ chức tốt các hoạt động vui Tết Trung thu cho các em. Những đơn vị khó khăn, áp dụng hình thức xã hội hóa, vận động sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp địa phương để tổ chức tốt nhất Tết Trung thu cho các em.
3 xã vùng cao Cúc Phương, Kỳ Phú và Phú Long, Tết trung thu năm nay đều tổ chức cắm trại tập trung. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tập trung chỉ đạo thực hiện, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường như: trò chơi ném còn, đánh cù, nhảy sạp, đẩy gậy, hội thi hát tiếng Mường...
Trong các hoạt động dành cho thiếu nhi nhân ngày Tết Trung thu thì các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Ban thường vụ Huyện đoàn hết sức quan tâm. Theo đó, Ban thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn trong toàn huyện, trong chương trình văn nghệ "Đêm hội trăng rằm", bên cạnh các tiết mục văn nghệ, các cơ sở tổ chức tặng các phần quà cho các thiếu nhi vượt khó vươn lên học giỏi, con gia đình chính sách, con các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em nhỏ thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa...
Ban thường vụ Huyện đoàn cũng như các cơ sở Đoàn chủ động kết nối với các CLB tình nguyện, vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ kinh phí, quà tặng để đưa vào chương trình. Theo chỉ đạo của Ban thường vụ Huyện đoàn, các cơ sở Đoàn có thể triển khai quyên góp bằng các hình thức sáng tạo như bán bánh Trung thu để gây quỹ…Số tiền từ các nhà hảo tâm được trao học bổng khuyến học, mua bánh kẹo, lồng đèn, quần áo cùng nhiều phần quà khác để các em vui Tết Trung thu.
Thông qua các hoạt động vui Tết trung thu, các cấp bộ Đoàn trong toàn huyện triển khai các hoạt động giáo dục đối với thiếu niên, nhi đồng. Cụ thể: nâng cao công tác giáo dục lịch sử, truyền thống; giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu nhi, tổ chức các hoạt động giáo dục cho thiếu niên, nhi đồng thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; truyền thống của dân tộc, của Đảng, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; phát huy nét đẹp truyền thống ở mỗi địa phương thông qua các hình thức như: cuộc thi "Tiếng hát sơn ca", "Tiếng hát Họa mi","Quê hương, đất nước trong mắt em", "Tuổi hồng cho em những ước mơ", "Chúng em kể chuyện Bác Hồ", Hội thi Hát làn điệu dân ca Mường.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn còn hướng đến việc giáo dục trẻ em tình yêu quê hương, đất nước, con người, biết yêu thương và chia sẻ với bạn bè thông qua việc tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em là con em gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi. Mở rộng các hoạt động giao lưu, liên kết "Vòng tay bè bạn" theo cụm dân cư, qua đó giáo dục truyền thống "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Cách thức giáo dục không máy móc mà khéo léo lồng ghép giữa các hình thức vui chơi kết hợp giáo dục. Quan trọng là việc tổ chức đa dạng các hoạt động vui chơi và hướng dẫn cho thiếu nhi tham gia các trò chơi mang tính cộng đồng, các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động thiếu nhi vui khỏe, qua đó việc định hướng, giáo dục cho các em được ngấm vào một cách tự nhiên và hiệu quả.
Bài, ảnh: Phương Nam