Nợ quá hạn tăng
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến hết quý I/2017, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng với hơn 97 nghìn lượt hộ được vay vốn. Tăng trưởng dư nợ tập trung vào các chương trình tín dụng: cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,27% tổng dư nợ, tăng 181 triệu đồng so với cuối năm 2016.
Trong đó các chương trình có tỷ lệ nợ quá hạn tăng: chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chương trình cho vay hộ cận nghèo; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường. Một số đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao là: thành phố Ninh Bình 0,81%; Nho Quan 0,54%; Kim Sơn 0,35%.
Bà Lã Thị Hồng Yến, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do một số hộ vay sử dụng sai mục đích đã nhiều năm nhưng chưa xử lý được như 11 hộ vay với số tiền 193,7 triệu đồng thuộc Hội Nông dân xã Văn Phong, huyện Nho Quan.
Chương trình cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn không thu hồi được vốn do lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động phải về nước trước thời hạn, không thanh lý được hợp đồng.
Một số hộ nghèo được vay vốn ưu đãi nhưng đầu tư vốn vay đạt hiệu quả không cao hoặc quá trình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thua lỗ, không có khả năng khôi phục sản xuất, kinh doanh dẫn đến mất vốn, không còn khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vay vốn không may gặp rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau, bệnh tật, hoặc sinh viên ra trường không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, dẫn đến khó khăn không có khả năng trả nợ.
Nhiều hộ vay trốn nợ, bỏ đi khỏi địa phương cư trú. Ngoài ra còn có hiện tượng đáng báo động là ở một số địa phương nhiều trường hợp vay vốn có điều kiện trả nợ nhưng cố tình chây ỳ và đã tạo thành hiệu ứng lây lan gây khó khăn trong công tác thu hồi vốn và lãi của cán bộ Ngân hàng CSXH. Một số chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự tích cực, quyết liệt trong việc chỉ đạo, đôn đốc hộ vay trả nợ khi đến hạn, công tác vận động, thuyết phục hộ vay trả nợ còn hạn chế.
Tăng cường giải pháp xử lý
Hội Phụ nữ là đơn vị nhận ủy thác vốn vay ưu đãi với số dư nợ cao nhất trong các tổ chức hội đã ký văn bản liên tịch về ủy thác cho vay với Ngân hàng CSXH. Hiện nay dư nợ ủy thác của Hội Phụ nữ đạt trên 830 tỷ đồng (chiếm trên 41% tổng dư nợ) và nợ quá hạn là 0,24%.
Bà Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để tăng cường công tác quản lý vốn và giảm tỷ lệ nợ quá hạn, trong thời gian qua Hội Phụ nữ kết hợp với Ngân hàng CSXH tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các huyện, thành phố. Qua kiểm tra thực tế tại huyện Yên Mô, Kim Sơn, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình cho thấy có sự khác biệt ở những đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao và những đơn vị trả nợ tốt.
Đối với Yên Mô, dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ý thức trả nợ của người dân rất cao, đến hạn lo trả nợ, trả lãi, không ỷ lại vốn vay của Nhà nước. Nhưng ở một số đơn vị của huyện Kim Sơn, ý thức trả nợ của người dân rất thấp, nhiều hộ chây ỳ, tỷ lệ nợ quá hạn cao.
Ví dụ ở xã Kim Trung, hiện nay tiền nợ gốc là 500 triệu đồng và tiền lãi là 200 triệu đồng, nhưng công tác thu hồi nợ ở một số hộ rất khó khăn. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở một xã mà nó đang lây lan ra rất nhiều xã trong huyện.
Đối với những xã có tỷ lệ nợ quá hạn cao, các trường hợp nợ quá hạn, nợ chiếm dụng có khả năng trả nhưng cố tình chây ỳ, cần có giải pháp mạnh, kiên quyết xử lý, tạo tính nghiêm minh, giáo dục và răn đe các đối tượng khác, giúp bảo tồn và tăng trưởng nguồn vốn Nhà nước.
Ngoài sự tích cực của các cấp hội, Ngân hàng CSXH các cấp, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc. Các hộ đã vay vốn ưu đãi còn chây ỳ, chưa chấp hành đầy đủ việc trả nợ gốc và lãi theo quy định của Nhà nước, chính quyền xã không xác nhận giấy tờ cho con đi học, xin việc... Kết hợp với biện pháp răn đe, vận động, tuyên truyền để người dân chấp hành đúng quy định về vay vốn ưu đãi.
Riêng đối với Hội Phụ nữ, trong thời gian tới sẽ phối hợp với các cấp hội, Ngân hàng CSXH, cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường công tác kiểm tra tại Tổ TK&VV cũng như tại nhà các hộ vay, đặc biệt tập trung vào các địa bàn trọng điểm có số nợ quá hạn nhiều, tỷ lệ cao là Kim Sơn, thành phố Ninh Bình... Trên cơ sở đó, Hội tiến hành củng cố lại những Tổ TK&VV có nợ quá hạn cao, năng lực hoạt động kém.
Theo bà Lã Thị Hồng Yến, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh: Để giảm nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh, chính quyền địa phương, các cấp hội nhận ủy thác cần tiếp tục phối hợp trong công tác kiểm tra, phân tích, phân loại nợ quá hạn để có giải pháp xử lý phù hợp với từng trường hợp cụ thể: hộ vay bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh hay ốm đau, bệnh tật,...; người vay bỏ đi khỏi nơi cư trú...
Riêng với những trường hợp cố tình chây ỳ, Ngân hàng CSXH phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác và các cấp chính quyền có những biện pháp tích cực, kiên quyết để thu hồi nợ quá hạn. Những xã có tỷ lệ nợ quá hạn cao trên mức cho phép (từ 1% trở lên), Ngân hàng CSXH tham mưu cho UBND cấp xã thành lập tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, phối hợp với các cấp chính quyền và hội, đoàn thể tiến hành thu hồi nợ, tạo nguồn vốn cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Hồng Giang