Báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, trong 3 năm 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh đã thu hút được trên 100 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký trên 12.679 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2018 (đến tháng 10), tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư 24 dự án với tổng vốn đăng ký gần 1,958 nghìn tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 39 lượt dự án. Cũng trong năm 2018, tổng số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới ước đạt 733 doanh nghiệp, tăng 8,7% so với năm 2017 với tổng số vốn đăng ký đạt 5.014,9 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Ninh Bình cũng là một trong những tỉnh có nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư trên các cơ quan thông tin đại chúng. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước như Đoàn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Đoàn đại biểu TP. Asan (Hàn Quốc), Đoàn doanh nghiệp tỉnh Changwon (Hàn Quốc); UBND các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Giang; các tập đoàn: FLC, Vingroup…đã về tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Ninh Bình. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận vốn tín dụng và thủ tục pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai, đăng ký kinh doanh...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong công tác thu hút và quản lý đầu tư như: Thủ tục hành chính về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh còn kéo dài; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng thiếu đồng bộ dẫn đến việc thẩm định để cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn... Ngoài ra một số yếu tố như nhân lực chưa đồng bộ, một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh.
Nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) về điểm số và xếp hạng, phấn đấu đưa ra chỉ số PCI nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu toàn quốc, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 - NQ/BCSĐ về việc tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2019. Theo đó, hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian tới cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thu hút các ngành, lĩnh vực có ưu thế của tỉnh, các dự án lớn, nộp ngân sách cao và có hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy cần đổi mới đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với việc tăng cường hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chương trình thu hút đầu tư sẽ được tập trung, ưu tiên các ngành nghề sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tham gia mạng lưới liên kết nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến thức ăn chăn nuôi, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tập trung, đánh bắt hải sản vùng biển xa bờ...
Đối với công nghiệp, tỉnh cũng định hướng thu hút đầu tư những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao. Có chính sách thu hút đối với các ngành nghề công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và linh kiện điện tử; ngành công nghiệp chế tạo; thu hút các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp... thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa- xã hội.
Cùng với những giải pháp từ Trung ương, tỉnh Ninh Bình cũng đã xây dựng các Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02 - NQ/BCSĐ Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Hướng dẫn phối hợp với doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập quy hoạch triển khai dự án đầu tư hạ tầng các KCN để tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các ngành, các cấp chủ động rà soát để cắt giảm những thủ tục hành chính không còn phù hợp, đồng thời thực hiện công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, cấp đăng ký kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, thủ tục về thuế, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý nhà nước. Rà soát chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư với phương châm chính quyền cùng đồng hành với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư bằng cách tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn trong và ngoài nước để gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư.
Nguyễn Thơm