Cùng với sự leo thang của giá nguyên, vật liệu đầu vào thị trường tiêu thụ bị thu hẹp thì lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại cũng bị đẩy lên rất cao. Trong khi, cơ cấu nguồn vốn của hầu hết doanh nghiệp thì vốn vay luôn chiếm trên 50% tổng nguồn vốn. Lãi suất quá cao khiến khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp suy giảm, lợi nhuận không đủ bù đắp lãi vay, thậm chí thua lỗ.
Theo lãnh đạo một số DN trên địa bàn tỉnh, với mức lãi suất vay ngân hàng từ 21-23%/năm như hiện nay thì DN kinh doanh không có lãi nhưng vẫn phải cố gắng hoạt động cầm chừng để bảo đảm việc làm cho người lao động và giao hàng cho đối tác để giữ khách. Mặt khác, do khó khăn về nguồn nên các Ngân hàng thương mại cũng hạn chế cho vay khiến các DN, nhất là những DN nhỏ, nguồn vốn tự có hoặc huy động từ cổ đông không nhiều, chủ yếu trông vào vốn vay Ngân hàng càng "lao đao" vì thiếu vốn. Để đối phó với tình trạng lãi suất cao, các DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động vượt khó bằng cách huy động vốn trong cán bộ, công nhân viên; tiết kiệm chi phí sản xuất; cắt giảm đầu tư vào các dự án thu hồi vốn chậm; cơ cấu lại ngành nghề sản xuất, kinh doanh; tăng cường liên kết với các DN trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm…
Để hỗ trợ cho các DN, UBND tỉnh đã thực hiện một số biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng. Đặc biệt đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn, bảo đảm việc huy động vốn không vượt trần, quy định khách hàng nếu bị từ chối cho vay vốn thì ngân hàng phải trả lời bằng văn bản…
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, nhất là khó khăn về nguồn vốn cho các DN nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tỉnh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, tập trung thực hiện tốt các giải pháp về chính sách tài chính, tiền tệ; kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, dịch vụ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, gian lận thương mại, đầu cơ buôn lậu nhằm đảm bảo bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm, đồng thời có giải pháp kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp về mặt bằng thực hiện dự án; các thủ tục cấp phép đầu tư...
Về phía ngành Ngân hàng cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phân tích chất lượng tín dụng; rà soát, phân loại nợ theo đúng quy định của Nhà nước, tạo điều kiện, môi trường thông thoáng để doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay đầu tư. Đối với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, các tổ chức tín dụng cần chủ động áp dụng các biện pháp bổ sung vốn đầu tư, cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và các cấp ủy, chính quyền địa phương, làm tốt vai trò quản lý Nhà nước về tiền tệ, phát triển mạng lưới và công tác xử lý, thu hồi nợ làm lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy KT- XH của tỉnh phát triển bền vững.
Quốc Khang