Nhưng với sự cố gắng vượt bậc, một số doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã ổn định sản xuất, đảm bảo được việc làm và thu nhập của người lao động, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách đầy đủ, kịp thời, tích cực tham gia công tác xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần quan trọng trong phát triển KT- XH của tỉnh.
Trước những khó khăn tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã đề nghị Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng, nghiên cứu có thể khoanh nợ, hoãn nợ cho các doanh nghiệp đầu tư những dự án đúng định hướng của Nhà nước; đề nghị được giãn, giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; đề nghị được giảm giá thuê đất vì giá thuê đất mới theo điều chỉnh trong 2011 đã tăng từ 3 - 6 lần. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ có các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng linh hoạt, tránh tình trạng thiếu thanh khoản như hiện nay.
Cùng với các giải pháp của Chính phủ, tỉnh ta đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, sát thực, có kế hoạch động viên, giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì ổn định và phát triển. Trong đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu; tập trung tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa có thế mạnh. Quan tâm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng làm tốt công tác huy động vốn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đến giải quyết công việc. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh công tác bình ổn giá...
Trước tình hình khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cần nắm chắc các chủ trương, giải pháp của Chính phủ, của tỉnh; chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tiếp thị và xúc tiến thương mại, cân đối các mặt sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đảm bảo đời sống của người lao động.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
Tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, về công tác đào tạo cán bộ quản lý và đào tạo nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp...
Song điều quan trọng đối với các doanh nghiệp hiện nay là phải tự cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn kết người lao động...
Ngọc Minh