Trên đà tăng trưởng này vừa qua, Thống đốc Ngân hàng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2013. Chỉ thị được các doanh nghiệp đón nhận và đánh giá là một chính sách "đảm bảo đúng điểm rơi" để tạo đà cho kinh tế phát triển những tháng cuối năm. Giải quyết những khó khăn Ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh đánh giá: Tuy những tháng đầu năm, đầu tư tín dụng dừng ở con số khiêm tốn, nhưng 6 tháng đầu năm tổng dư nợ cho vay của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt 34.466 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các ngân hàng thương mại (NHTM) và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 25.906 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu của các NHTM và Quỹ tín dụng nhân dân chỉ chiếm 1% trong tổng dư nợ. Con số này thể hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và có sự ổn định trở lại. Theo phản ánh của các NHTM thì nguồn vốn cho vay đã bắt đầu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn.
Cũng theo đánh giá của các doanh nghiệp, thời gian vừa qua cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực như nới rộng đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng tồn kho thì ngành ngân hàng cũng có những động thái rất tích cực về lãi suất. Cụ thể lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm phổ biến ở mức 12-13%/năm; từ tháng 4-2013 đến ngày 13-5-2013 phổ biến ở mức 11-13%/năm; đến nay mức lãi suất cho vay đang phổ biến ở mức 10-11%/năm. Đối với các lĩnh vực thuộc 5 nhóm đối tượng (nông nghiệp, nông thôn, sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ) mức lãi suất cho vay đến nay phổ biến ở mức 9-10%.
Ông Lê Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, thương mại Thành Trung cho biết: Lãi suất cho vay của các ngân hàng đang trở về với mặt bằng chung của nền kinh tế, với mức lãi suất này các doanh nghiệp đã bắt đầu có thể sản xuất, kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn nên có chính sách nới lỏng hơn đối với quy định về đầu tư tín dụng để giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi dễ tiếp cận hơn với vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần sớm triển khai các giải pháp để gỡ các "nút thắt" cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng, đó là vấn đề về nợ xấu, điều này đang khiến cả doanh nghiệp và ngân hàng chùng lại. Nếu Nhà nước có thể giải quyết dứt điểm khâu này, doanh nghiệp mới dám vay và ngân hàng mới cho vay.Cùng với đó, Nhà nước nên giám sát chặt chẽ hơn nữa để các chính sách hỗ trợ tới tay doanh nghiệp, nhất là đối với các giải pháp có lợi cho doanh nghiệp được nêu ra tại Chỉ thị 03/CT-NHNN nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Mặc dù lãi suất thời gian qua liên tục giảm, các doanh nghiệp cũng cảm thấy được chia sẻ phần nào nhưng thực sự đến thời điểm này việc vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Đinh Hùng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH chuyên sản xuất, kinh doanh đồ nội thất cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi đang được một số ngân hàng mời vay vốn nhưng hiện tại đồ nội thất tiêu thụ rất chậm, chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh chứ không còn xuất khẩu được như trước. Mặc dù doanh nghiệp cũng rất nỗ lực mở rộng thị trường ở các tỉnh lân cận nhưng việc tiêu thụ hàng cũng không khả quan. Chính vì thế, lãi suất hạ, ngân hàng mở cửa nhưng doanh nghiệp vẫn chưa muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất
Khắc phục những rào cản và mở rộng đường cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn nguồn vốn vay ngân hàng, tại Chỉ thị 03/CT-NHNN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu cụ thể của Chỉ thị 03/CT-NHNN là mở rộng tín dụng có hiệu quả để đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 12% theo định hướng đề ra từ đầu năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, để thực hiện sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 03, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo hệ thống các chi nhánh NHTM, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tiếp tục chú trọng cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét cơ cấu lại các khoản vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay nhưng không nhằm mục đích che giấu nợ xấu của các tổ chức tín dụng, che giấu hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính không lành mạnh của khách hàng vay... xem xét cho vay mới đối với các hộ nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi nếu khách hàng đảm bảo khâu tiêu thụ và có khả năng trả nợ; tiếp tục tổ chức khảo sát nhu cầu tín dụng để xây dựng các giải pháp, phương án tăng trưởng tín dụng cụ thể cho từng địa bàn, từng ngành, từng lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Đánh giá về khả năng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, đại diện một NHTM trên địa bàn tỉnh cũng cho biết: Với mức tăng trưởng tín dụng trên, các ngân hàng hoàn toàn có thể đạt được nhưng để sự tăng trưởng tín dụng thực sự đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Vị này cũng nêu ra khó khăn về vốn là rào cản để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay hợp lý từ các ngân hàng: Mặc dù thanh khoản các ngân hàng không thiếu, chúng tôi cũng đang rất muốn tìm được khách hàng tốt để cho vay, nhưng đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang "luẩn quẩn" với bài toán tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho, thậm chí là định hướng kinh doanh. Bên cạnh đó, thực lực khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp còn yếu, quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Không ít doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực pháp lý, năng lực tài chính, quản trị kinh doanh; dự án chưa đáp ứng về yêu cầu khả thi, hiệu quả về tiêu thụ sản phẩm, tài sản thế chấp... Vì vậy những doanh nghiệp này có nhu cầu vay vốn cũng không đáp ứng được các điều kiện về vay vốn của ngân hàng.
Ông Phạm Ngọc ánh cũng khẳng định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12% trên địa bàn Ninh Bình là không khó bởi vì 6 tháng đầu năm toàn hệ thống ngân hàng trong tỉnh đã có mức tăng trưởng tín dụng khá cao so với bình quân chung của cả nước. Cũng theo Chỉ thị 03 thì mức lãi suất huy động sẽ ổn định và có khả năng giảm hơn nữa. Chính vì vậy, trong những tháng cuối năm, khả năng giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10% là rất lớn. Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo chu kỳ, từ tháng 7 trở đi xuất nhập khẩu bắt đầu mạnh hơn, kéo theo nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên.
Nguyễn Thơm