Hiện tại lúa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, tương đối đồng đều. Đã có gần 3000 ha lúa (Chủ yếu thuộc trà mùa sớm, cấy vùng ngoài đê, thùng đào, thùng đấu) trỗ bông. Theo nhận định của các cán bộ kỹ thuật thì lúa xuân sẽ trỗ rộ vào khoảng thời gian từ 25-30/5. Như vậy thời gian lúa chín để thu hoạch rộ vào khoảng cuối tháng 6, chậm hơn so với vụ trước từ 12-13 ngày( Nguyên nhân chính là do trong tháng 3 có đợt không khí lạnh, kéo dài làm cho lúa sinh trưởng và phát triển chậm lại) và đó sẽ là khó khăn lớn của sản xuất vụ mùa và vụ đông tới đây.
Theo ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng, Chi cục BVTV (Sở NN&PTNT): Cho đến thời điểm này thì tình hình phát sinh, phát triển của các loại sâu bệnh chưa có gì đáng ngại. Bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện ở 18,4 ha lúa; có gần 2000 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn; trên 3000 ha nhiễm bệnh khô vằn; trên 1500 ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ và hơn 80 ha bị chuột phá hoại. Quy mô và mức độ như vậy là thấp so với vụ đông xuân trước. Các địa phương cũng đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, như: đối với bệnh lùn sọc đen, nhổ bỏ cây bệnh ở trên 18 ha, phun trừ rầy cho gần 50 ha; Trừ bệnh đạo ôn cho hơn 2000 ha; Trừ bệnh khô vằn cho 1.310 ha; Trừ sâu cuốn lá nhỏ cho trên 1000 ha; Diệt 1.381.500 con chuột.
Thời gian tới các địa phương và nông dân trong tỉnh cần tập trung cao cho công tác bảo vệ và phòng chống sâu bênh trên lúa đông xuân; Vì đây là giai đoạn dễ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây lúa. Một số đối tượng hại đáng chú ý là: Bệnh đạo ôn trên lá và trên cổ bông với quy mô và mức độ cao hơn vụ trước. Rầy cám lứa 3 nở rộ từ 20/5 trở đi với mật độ phổ biến 200 con/m2, gây hại trên các trà lúa từ trỗ đến chín; Quy mô, mức độ cao hơn so với cùng lứa vụ trước. Sâu cuốn lá nhỏ, sâu non lứa 3 từ 18-30/5, gây hại rộng trên trà xuân muộn ở giai đoạn ôm đòng đến trỗ bông với mật độ trung bình 25 con/m2, cá biệt có nơi lên đến vài trăm con/m2; Quy mô mức độ hại cao hơn vụ đông xuân trước. Ngoài ra còn có các đối tượng gây hại khác như: Bệnh lùn sọc đen, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, chuột hại, nhện, bọ xít dài…
Các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô chú ý đến sự phát sinh, phát triển và gây hại của sâu cuốn lá nhỏ; Các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư chú ý đến sự gây hại của sâu đục thân 2 chấm. Riêng đối với rầy nâu chú ý thời kỳ cuối vụ có thể xuất hiện những ổ "cháy rầy" cục bộ, nguy hiểm hơn khi nó di trú và truyền bệnh lùn sọc đen sang vụ mùa, nếu không phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, phun trừ trên những ruộng bị bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm, lúa xanh tốt, gần nguồn bệnh. Ruộng bị bệnh đao ôn lá nặng phun kép 2 lần cách nhau từ 5-7 ngày bằng các loại thuốc: Katana 20SC, Kabim 30WP, Bump 650WP, Rocksai super 520WP, Beam Super 75WP, Dico 750WP, FuJioene 40WP… với lượng phun từ 20-25 lít nước thuốc/sào. Tăng cường công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền và thanh tra thuốc BVTV. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đồng ruộng, theo dõi, giám sát sự phát sinh, phát triển của các đối tượng dịch hại và có biện pháp phòng chống, phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng.
Đinh Chúc