PV: Ông cho biết những nét chính về thiên tai và ảnh hưởng của nó đến nước ta?
Ông Nguyễn Văn Cao: Thiên tai là những biểu hiện của thiên nhiên có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Biểu hiện của thiên tai là: Động đất; sóng thần; núi lửa phun trào; băng tuyết; rét đậm, rét hại kéo dài; nắng nóng gay gắt; hạn hán diễn ra trong diện rộng; bão gió, mưa to, lũ lớn; lũ ống, lũ quét; lốc xoáy, nước biển dâng...
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Biển Đông, thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai khốc liệt. Thiên tai đã xảy ra ở hầu khắp các khu vực trên cả nước, gây nhiều tổn thất về người, tài sản, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và tác động xấu đến môi trường.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, trung bình hàng năm thiệt hại về tài sản ước tính tương đương khoảng 1,0 - 1,5% GDP. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang làm thiên tai ở nước ta có chiều hướng ngày càng phức tạp, gia tăng nhiều hơn so với những thập kỷ trước về cả quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường.
Miền Trung là nơi có bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đổ bộ vào nhiều nhất so với các vùng ven biển khác ở nước ta. Bão và ATNĐ đổ bộ không chỉ gây ra gió mạnh trực tiếp tàn phá cây cối, nhà cửa, công trình, cơ sở hạ tầng… mà còn kéo theo sóng cao, nước biển dâng, đồng thời mưa lớn xảy ra trên diện rộng gây ra lũ lụt, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất bất thường… làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của cải cho khu vực này, thậm chí tới mức thảm họa.
Trong những thập kỷ gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm cho diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp và bất thường hơn. Xuất hiện những vùng mưa rất lớn; mưa tập trung trong thời gian ngắn; tần suất xuất hiện nhiều hơn, phức tạp hơn, cường độ mạnh hơn; nhưng lại có những vùng mưa ít, hạn hán nghiêm trọng, xẩy ra trên diện rộng.
Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, rộng khắp chưa từng thấy ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây nguyên. Hay đợt rét đậm rét hại, băng tuyết bao phủ dày đặc chưa từng có trong tháng đầu năm nay ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao (trên 40oc) trong nhiều ngày... Đó là những biểu hiện của thiên tai bất thường gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân.
PV: Ông vừa nói đến những biểu hiện của thiên tai bất thường...Vậy thế nào là thiên tai bất thường?
Ông Nguyễn Văn Cao: Thiên tai có thể xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi; nhưng qua công tác nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm nhiều năm thì mỗi dạng thiên tai cũng có chu kỳ, quy luật của nó. ở nước ta: Rét đậm, rét hại chỉ xẩy ra vào những tháng cuối năm hoặc đầu năm sau; nắng nóng ở mùa hè; bão gió, lũ lụt, mưa to, nước lớn trong khoảng thời gian từ tháng 4-10 hàng năm...
Sự bất thường của thiên tai biểu hiện ở chỗ: Dạng thiên tai chưa bao giờ xuất hiện trong địa bàn nào đó; xuất hiện không theo quy luật của nhiều năm; cường độ và mức độ cao hơn so với trung bình nhiều năm vượt quá khả năng chịu tải của các công trình phòng chống thiên tai theo thiết kế... Đó là những biểu hiện của thiên tai bất thường.
PV: Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây nguyên đang là vấn đề "Nóng bỏng" của Đất nước... Vậy ở Ninh Bình thế nào?
Ông Nguyễn Văn Cao: Vài năm gần đây, bão lũ không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh ta; nhưng đây là loại hình thiên tai nguy hiểm, thường xuyên xẩy ra nên luôn phải nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa. Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng ven biển Kim Sơn, hạn hán ở các xã vùng cao Nho Quan thì vẫn có. Nước mặn đã lấn sâu vào các cửa sông từ 20 - 25 km trên sông Đáy và 10 - 15 km trên sông Vạc gây khó khăn cho việc đổ ải làm đất và tưới dưỡng lúa của vụ đông xuân.
Theo số liệu thống kê từ năm 2001 đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều xảy ra hạn hán trong giai đoạn tưới dưỡng lúa vụ đông xuân, đặc biệt các huyện miền núi Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp... diện tích hạn và thiếu nước chiếm bình quân 15 - 20%.
Năm 2015, các xã vùng cao của huyện Nho Quan (Kỳ Phú, Phú Long, Thạch Bình, Cúc Phương) không chỉ thiếu nước sản xuất trong vụ đông xuân, vụ mùa, phải chuyển đổi hướng sản xuất khác; mà còn ảnh hưởng đến cả cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong vùng.
Mới đây Tỉnh ta đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra tình hình phòng chống thiên tai và khảo sát các vị trí xung yếu trong công trình phòng chống thiên tai năm 2016 ở các địa phương. Theo báo cáo của các huyện, điều đáng mừng là vụ lúa xuân ở các địa phương đang trong thời kỳ hồi xanh-đẻ nhánh, nhưng ít diện tích bị thiếu nước.
Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn thiếu nước cục bộ ở một số nơi: Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô, Tam Điệp. Để đảm bảo cho công tác phòng, chống Thiên tai nói chung, chống hạn nói riêng, đoàn công tác của Tỉnh đã cho hướng xứ lý các vị trí đê, cầu, cống xung yếu ; nạo vét kênh mương, hồ chứa nước.
PV: Như vậy, vụ đông xuân 2016 vẫn có nguy cơ hạn hán cao; giải pháp nào để phòng ngừa ?
Ông Nguyễn Văn Cao: Trước mắt, các ngành, địa phương cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, tranh thủ những đợt xả nước của các hồ lớn tổ chức lấy nước và tích trữ vào các ao, hồ, trục sông, trục kênh, thùng đào, thùng đấu, thực hiện tưới tiết kiệm nước, không để rò rỉ, thất thoát nước, tận dụng tối đa thời gian mở cống lấy nước trong thời gian triều cường, độ mặn cho phép.
Tập trung sửa chữa các trạm bơm điện, đảm bảo 100% máy phục vụ chống hạn, chuẩn bị các phương tiện công cụ bơm dầu, điện dã chiến, thủ công để hỗ trợ cấp nước phòng, chống hạn.
Đối với vùng thủy triều, phải tăng cường canh gác mặn tại các cửa cống lấy nước, thường xuyên tổ chức đo mặn, tranh thủ những lúc mặn thấp để mở cống lấy nước, khi nguồn nước sông đảm bảo lưu lượng có thể mở các âu cống lấy nước vào các hệ thống sông ngòi để lấy nước và đẩy mặn. Với những vùng mặn xâm nhập sâu thì chuyển đổi sang các hình thức sản xuất khác như nuôi trồng thủy sản, trồng cói...
Đối với vùng cao, xa, không có nguồn nước tưới chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình hạn hán và biện pháp phòng, chống.
Phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương lấy nước, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, nạo vét các cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm trên toàn tỉnh để tạo điều kiện lấy nước thuận lợi. Xây dựng lịch canh tác đảm bảo thời vụ, phù hợp và tranh thủ bám sát lịch xả nước tưới của các hồ thủy điện hàng năm.
Về lâu dài, tăng cường nguồn vốn đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống hồ chứa nhằm tăng dung tích đảm bảo việc điều tiết nước tưới cho toàn bộ diện tích canh tác các huyện Nho Quan, Yên Mô và thành phố Tam điệp.
Xây dựng hệ thống điều tiết các cửa sông (xây dựng âu Kim Đài) nhằm mục đích ngăn mặn, giữ ngọt cho các tuyến sông nội địa, đảm bảo nước tưới cho các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, thành phố Ninh Bình. Lâu dài có thể tính phương án xây dựng các hồ chứa hạ lưu vừa ngăn mặn vừa giữ ngọt.
Kết hợp điều tiết hồ chứa thủy điện thượng lưu khi cần thiết. Sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi theo quy hoạch.
Xây dựng quy trình vận hành tự động hệ thống công trình thủy lợi phù hợp lịch canh tác, trong đó có ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.
Đầu tư cho hệ thống đê, kết hợp trồng rừng phòng hộ ngập mặn ven biển; quản lý, nâng cấp độ che phủ rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng ngập mặn hiện có.
Cải tạo hạ tầng kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu kinh tế (như cơ cấu cây trồng, nghiên cứu, sử dụng các loại cây, con thích ứng với hạn hán, chịu ngập, chịu mặn…), tập quán sản xuất và sinh hoạt của dân cư ven biển để thích nghi với mực nước biển dâng.
Đối với các xã vùng núi, công trình phục vụ tưới không vươn tới, chủ động chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang trồng các loại cây trồng cạn. Các diện tích được tưới bằng nguồn nước hồ khi lượng mưa ít, khô hạn dẫn đến hết nguồn tưới thì vụ đó có thể xem xét chuyển đổi canh tác sang các cây công nghiệp có khả năng chịu được khô hạn cao.
Phòng chống thiên tai với loại hình bão lũ là nhiệm vụ chung, trọng tâm của các cấp, các ngành trong thời gian tới; nhưng trước mắt tập trung cho công tác phòng chống hạn vụ đông xuân 2016, nhất là ở các xã vùng cao.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đinh Chúc (Thực hiện)