Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn áp dụng các biện pháp nhằm huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài địa bàn.
Tập trung chăm sóc khách hàng, nhất là nhóm khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 52.946 tỷ đồng, tăng 19,3% so cùng kỳ năm 2015 và tăng 8,4% so với đầu năm.
Trong đó: Tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ TDND ước đạt 47.847 tỷ đồng, tăng 23,2% so cùng kỳ 2015, tăng 9,2% so với thời điểm 31-12-2015.
Dư nợ cho vay của Ngân hàng phát triển đạt 5.099 tỷ đồng, tăng 0,57% so với cùng kỳ năm 2015, tăng 1,65% so với thời điểm 31-12-2015.
Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp của các ngân hàng, tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 10.000 tỷ đồng, chiếm 18,89% tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 11.500 tỷ đồng; dư nợ cho vay chăn nuôi đạt 81,1 tỷ đồng, chiếm 0,15%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 340 tỷ đồng, chiếm 0,64%/tổng dư nợ.
Dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 10.928 tỷ đồng, chiếm 20,64%/tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp, tăng 13,57% so với đầu năm; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 56 tỷ đồng, chiếm 0,11%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh như: Công ty xi măng Tam Điệp, Công ty TNHH cán thép Tam Điệp, Nhà máy xi măng Hướng Dương, Nhà máy xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng đạt 4.139 tỷ đồng, chiếm 7,82%/tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng; dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 650 tỷ đồng, chiếm 1,23%/tổng dư nợ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, đã có 80 doanh nghiệp được ký kết hỗ trợ vay vốn theo chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp với số tiền cam kết 1.650 tỷ đồng, dư nợ là 1.390 tỷ đồng. Trong đó, cho vay mới: 41 khách hàng, số tiền 728 tỷ đồng, dư nợ 454 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm lãi suất cho 27 khách hàng, số tiền 471 tỷ đồng, dư nợ 402 tỷ đồng.
Các ngân hàng đã điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng 12 khách hàng, số tiền 451 tỷ đồng, dư nợ 534 tỷ đồng. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp với số tiền cam kết hỗ trợ là 34,65 tỷ đồng, dư nợ đạt 21.987 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu gia tăng.
Chủ động triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật. Tổng nợ được cơ cấu lại của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 1.336 tỷ đồng, giảm 30,92% so với thời điểm 31-12-2015.
Tổng nợ được xử lý rủi ro là 460 tỷ đồng. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu, hầu hết các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên dưới 1%.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng cấp trên về lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Hiện lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 7-9%/năm; đối với cho vay ngắn hạn, thấp nhất là 2,3%/năm, cao nhất là 15%/năm; đối với cho vay trung và dài hạn, lãi suất phổ biến ở mức 9-11%/năm, thấp nhất là 5,0%/năm, cao nhất là 18,0%/năm.
Một số ngân hàng đã tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng như: cho vay chứng minh năng lực tài chính của Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội chi nhánh Ninh Bình; cho vay không tài sản đảm bảo đối với đối tượng hưởng lương ngân sách nhà nước của Ngân hàng TMCP Hàng hải chi nhánh Ninh Bình.
Theo ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, trong thời gian tới, để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, ngành Ngân hàng Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn; đẩy mạnh tham gia và thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp; chương trình bình ổn thị trường, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững.
Chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thẩm định cho vay đóng mới tàu đánh bắt hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các tổ chức tín dụng, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và các nhu cầu thanh toán.
Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng định hướng và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng cấp trên.
Đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế; ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động, dự án, phương án có hiệu quả.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý theo chỉ đạo của ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp trên, theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian cho vay, minh bạch thông tin tín dụng, đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật n
Nguyễn Thơm