Để khôi phục sản xuất, đảm bảo vụ đông vẫn là vụ sản xuất có khối lượng hàng hóa lớn, ngay sau cơn bão, các ngành chuyên môn, các địa phương cùng nhân dân trong tỉnh đã tập trung khắc phục hậu quả cơn bão và dần dần khôi phục sản xuất.
Về HTX Liên Dương (xã Khánh Dương, huyện Yên Mô) sau những ngày bão đi qua, chúng tôi được chứng kiến thiệt hại do bão gây ra cho cây trồng vụ đông là rất lớn. Toàn bộ diện tích ngô giống, ngô ngọt, ngô thương phẩm đang kỳ trỗ cờ, thụ phấn bị gẫy cây, tướp lá và dập cờ. Bà Nguyễn Thị Long, xã viên HTX Liên Dương cho biết: Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng gần 3 sào cây đông gồm ngô giống F1, đậu tương trên đất 2 lúa và rau màu các loại. Cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn một vụ sản xuất thắng lợi thì gặp bão làm cho toàn bộ diện tích ngô của gia đình tôi gần như mất trắng. Như vậy với 1 sào ngô giống F1,gia đình tôi bị mất gần 2 triệu đồng. Sau bão, chúng tôi dựng những cây ngô bị đổ ngả và thụ phấn cho những cây còn cờ, râu. Đối với cây đỗ tương, do chân đất tương đối cao nên không bị ảnh hưởng nhiều, gia đình tôi cũng tập trung nhân lực khơi thông dòng chảy, tạo rãnh thoát nước. Hiện nay, thời vụ các cây ưa ấm đã hết, được HTX hướng dẫn, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích rau màu, đồng thời tích cực chăm sóc cho diện tích các cây đông còn lại.
HTX Liên Dương là một trong những đơn vị có diện tích cây đông bị ảnh hưởng nặng nhất của huyện Yên Mô. Ông Đoàn Văn, Chủ nhiệm HTX cho biết: Tính đến thời điểm trước khi cơn bão về, HTX đã gieo trồng được 135 ha cây đông các loại, trong đó có 45 ha ngô (ngô giống F1, ngô ngọt, ngô lai thương phẩm), 15 ha khoai tây, 30 ha đậu tương, 5 ha khoai lang, 0,5 ha bí xanh và rau màu các loại. Để chủ động phòng, chống bão số 8, đảm bảo sản xuất, HTX đã triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão, tổ chức tiêu kiệt nước trên đồng ruộng. Tuy nhiên, do sức gió mạnh đã làm toàn bộ diện tích ngô đang trỗ cờ và một số diện tích cây đông khác bị thiệt hại.
Theo kết quả đánh giá của đoàn kiểm tra huyện Yên Mô, HTX có 40 ha ngô bị thiệt hại trên 70%, 5 ha bị thiệt hại 40%; 6 ha khoai tây và 0,5 ha bí xanh bị mất trắng. HTX đã chỉ đạo và hướng dẫn bà con xã viên các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão. Đối với cây ngô, cây nào còn cờ thì thụ phấn trực tiếp, tổ chức bón phân bổ sung cho cây. Đối với cây đậu tương, vận động nhân dân huy động nhân lực khơi thông dòng chảy ở những nơi bị trũng kết hợp với việc té nước rửa lá cho cây. Sau khi thoát nước, hướng dẫn nhân dân các biện pháp chăm bón như bón đạm kết hợp bón bằng phân phun qua lá. Tính đến nay, công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão đã cơ bản hoàn thành, HTX đang tiếp nhận phân bón qua lá do huyện hỗ trợ và vận động nhân dân tập trung khôi phục sản xuất, trong đó khuyến khích nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích cây khoai tây trong khung thời vụ và rau màu các loại.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Ngay sau cơn bão đi qua, cán bộ khuyến nông đã tập trung kiểm tra, nắm tình hình sản xuất để có những khuyến cáo phù hợp với bà con nông dân. Qua kiểm tra cho thấy, có một số diện tích ngô đang giai đoạn trỗ cờ, xoáy nõn bị ảnh hưởng tương đối nặng, chủ yếu là ngô giống F1 và ngô ngọt là những cây trồng hàng hóa có giá trị ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Những diện tích ngô không có khả năng hồi phục thì vận động nhân dân tiến hành thu sớm làm thức ăn chăn nuôi và trồng thay thế bằng nhóm cây ưa lạnh như khoai tây hoặc rau đậu các loại. Một số diện tích bị đổ ngả, Trung tâm Khuyến nông đã khuyến cáo bà con tập trung dựng ngô, bón thêm các loại phân bón để kích thích cây nhanh hồi phục. Đối với cây đậu tương trên đất 2 lúa, tổ chức khơi rãnh thoát nước kết hợp rửa lá và bón thêm phân bón. Cây khoai tây ở một số nơi trồng sớm, bà con nên kiểm tra lại xem mưa có làm lở đất, hở củ thì tập trung vun lại.
Đến thời điểm này, các cây trồng tương đối hồi phục, chỉ còn một số diện tích ngô trồng ở chân đất cát, khả năng thoát nước nhanh, bộ rễ còn yếu bị héo lá. Với những trường hợp này, bà con nên dùng supe lân với lượng 5 kg/sào hòa với nước tưới trực tiếp vào gốc cây. Còn những diện tích ít bị héo hơn và gần như đã hồi phục hoàn toàn, cây đã cứng lại thì cần bón bổ sung thêm đạm và kali vào gốc, vun đất ở rãnh lên để tăng cường chất dinh dưỡng. Một số ít diện tích cây đậu tương ở vùng trũng có hiện tượng lá hơi vàng thì cần bón thêm đạm kết hợp bón thêm phân phun qua lá để tăng cường dưỡng chất, đây là giai đoạn rất quan trọng vì cây đang phân cành và chuẩn bị ra hoa.
Để tiếp tục mở rộng diện tích cây vụ đông, các đơn vị nên động viên, khuyến khích bà con tích cực trồng cây khoai tây trong thời vụ trước ngày 15-11 theo đúng quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn và tích cực mở rộng diện tích rau màu các loại. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh đã trồng được 11.119 ha cây đông các loại, chủ yếu là khoai tây và rau đậu các loại.
Hiện nay cùng với công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão, các địa phương đang tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ đông trong khung thời vụ, tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây đông đã trồng
Bài, ảnh: Hồng Giang