Theo thống kê, toàn tỉnh có 51 cơ sở dạy nghề. Trong đó có 3 trường Cao đẳng nghề, 6 trường Trung cấp nghề, 26 trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm và 16 doanh nghiệp có đăng ký dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề đi vào hoạt động không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng ngành nghề, tích cực thu hút lao động địa phương và khu vực lân cận tham gia. Bình quân hàng năm các cơ sở dạy nghề đã đào tạo cho trên 10.000 lượt người. Số lao động được đào tạo tại các trường, các trung tâm từ 5.000 - 6.000 lượt người, số còn lại chủ yếu là đào tạo dưới hình thức khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật.
Bên cạnh sự phát triển của các cơ sở dạy nghề, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn được Tỉnh chú trọng, đã ban hành Đề án số 15/ĐA-UBND ngày 5/10/2007 về công tác giảm nghèo đến năm 2010, Đề án số 08/ĐA-UBND ngày 31/3/2008 về đào tạo nghề tỉnh Ninh Bình đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015. Các Đề án trên đã phát huy tác dụng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện tỷ lệ lao động trên địa bàn qua đào tạo chiếm 35%, trong đó qua đào tạo nghề là 28%.
Về dự báo nhu cầu đào tạo nghề giai đoạn 2011 - 2020 của ngành chức năng, tổng số người trong độ tuổi lao động (chiếm 60% dân số) năm 2011 sẽ là 545.500 người, năm 2020 là 584.500 người. Do vậy, để đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 là 55% theo mục tiêu của tỉnh được thông qua tại HĐND tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 13 thì số lao động cần đào tạo trong 10 năm là 169.000 lượt người, bình quân 16.900 người/năm. Cơ cấu đào tạo giai đoạn 2011- 2020 dự kiến ở các trường Cao đẳng và Trung cấp nghề của Trung ương đóng tại địa phương là 52.200 lượt, các trường trung cấp nghề của địa phương là 18.500 lượt, các trung tâm, cơ sở, doanh nghiệp và đơn vị khác có tham gia dạy nghề là 98.300 lượt.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện, đảm bảo đến năm 2015 các trường Trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề cấp huyện có đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động, nhất là lao động nông thôn. Giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh sẽ nâng cấp Trung tâm dạy nghề huyện Kim Sơn, huyện Yên Khánh thành trường Trung cấp nghề; giai đoạn 2016 - 2020 nâng cấp trường Trung cấp nghề Nho Quan thành trường Cao đẳng nghề. Đồng thời, Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 5- 6 trường trung cấp nghề tư nhân, mỗi huyện, thị, thành phố có từ 3 -5 trung tâm và cơ sở dạy nghề tư thục.
Lĩnh vực dạy nghề được tập trung chủ yếu vào nghề nông, dịch vụ nông nghiệp, kỹ thuật, công nghệ, tiểu thủ công nghiệp…phục vụ nhân lực cho sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lao động nông nghiệp tham gia tại các khu, cụm công nghiệp. Phương thức dạy nghề được thực hiện không chỉ tại cơ sở dạy nghề, tại doanh nghiệp, hợp tác xã mà còn mở rộng dạy tại chỗ, ở địa bàn xã, thôn, bản.
Tạo điều kiện thực hiện công tác dạy nghề trong thời gian tới, Tỉnh còn có chính sách khuyến khích, ưu tiên về đất đai xây dựng các cơ sở dạy nghề; hỗ trợ cho học sinh học nghề dài hạn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ bị thu hồi đất canh tác,…; chính sách đối với giảng viên, giáo viên dạy nghề và người dạy nghề.
Tới đây, tỉnh thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, chọn huyện Gia Viễn thí điểm mô hình dạy nghề cấp huyện, tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền, điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, lựa chọn nghề để đưa vào dạy, thành lập và xây dựng Trung tâm dạy nghề điểm; chọn xã Quảng Lạc (Nho Quan) làm mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp trồng nấm, nuôi thỏ, xã Gia Hòa (Gia Viễn) làm thí điểm mô hình dạy nghề phi nông nghiệp, với nghề móc sợi, đính hạt cườm, đan cói, bẹ chuối, bèo bồng.
Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh ta, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người lao động trong công tác dạy nghề, tạo việc làm còn hạn chế. Năng lực, chất lượng đào tạo của một số cơ sở dạy nghề của tỉnh chưa cao: chưa gắn dạy nghề với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm... Đây là những khó khăn cần được giải quyết để dạy nghề thực sự là "cần câu" đối với người lao động ở nông thôn, tạo thu nhập, ổn định đời sống, giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế.
Hoàng Tâm