Theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp, vụ đông xuân 2011 toàn tỉnh gieo cấy gần 41.000 ha lúa các loại, trồng 5.000 ha lạc, 2.500 ha ngô, 3.000 ha rau, 400 ha cói, 1.800 ha sắn, 1.500 ha mía. Thời tiết, khí hậu năm nay diễn biến phức tạp: trước Tết rét đậm, rét hại kéo dài hàng tháng trời; khô hạn diễn ra trên diện rộng với mức độ gay gắt hơn năm trước; giá cả các loại vật tư, giống, phân bón có chiều hướng tăng lên… Tuy nhiên từ Tết Nguyên đán đến nay khí hậu nắng ấm, khâu nước được các địa phương và người dân tích cực, chủ động tích trữ, tìm mọi biện pháp đưa vào đồng ruộng… nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho tiến triển về tiến độ trong sản xuất nông nghiệp. Báo cáo của sở NN&PTNT cho biết: Tính đến ngày 10/2, về cơ bản ruộng gieo cấy lúa đã được cày lật đất, trong đó có khoảng 15.164 ha đã bừa kỹ chờ cấy; 94,5% diện tích cấy lúa đã lấy đủ nước; Đã gieo đủ mạ (1.634 ha) cho sản xuất và cấy được 1.050 ha lúa (Nho Quan 530 ha, Gia Viễn 320 ha, thị xã Tam Điệp 100 ha, Yên Mô 50 ha, Hoa Lư 20 ha).
Hiện tại thời tiết khí hậu đang rất thuận lợi (nắng, ấm) cho sản xuất nông nghiệp, mọi công việc chuẩn bị cũng đã cơ bản đáp ứng đủ, nhưng còn chờ mạ đủ tuổi. Thời gian tới sẽ là giai đoạn cao điểm của vụ sản xuất với mục tiêu tất cả cho việc gieo cấy nhanh, gọn lúa đông xuân trong khung thời vụ tốt nhất (Xong trước 25/2). Trên các xứ đồng, cánh đồng từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng núi đến ven biển, những ngày Tết im ắng đến là vậy thì nay lại tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên. Tại huyện Nho Quan - huyện miền núi của tỉnh, đồng chí Mai Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm nay, người dân Nho Quan xuống đồng sớm hơn so với mọi năm do trước đó rét đậm, rét hại kéo dài làm cho một số diện tích lúa mới cấy và mạ bị chết. Thời tiết đang nắng ấm, nông dân đã tranh thủ ra đồng gieo, dặm lại và thu hoạch nốt diện tích cây đông để giải phóng đất cho vụ đông xuân. Toàn huyện cũng đã cấy được 350 ha lúa, mọi công việc chuẩn bị như làm đất, gieo mạ, chuẩn bị phân bón, nước tưới đã cơ bản hoàn tất. Khi mạ đủ tuổi là có thể huy động mọi nhân lực, tranh thủ mọi thời gian gieo cấy lúa đông xuân. Lực lượng tham gia gieo cấy lúa đông xuân có đủ các thành phần: đàn ông chuyển mạ, vạc bờ, cuốc góc, san ruộng; đàn bà thì cấy, có cả các em học sinh tranh thủ những ngày nghỉ giúp đỡ gia đình… nên tốc độ gieo cấy tiến triển rất nhanh (bình quân chung, mỗi ngày đạt từ 10-15% tổng diện tích gieo cấy). Những khu ruộng thuận lợi trong tưới tiêu, kênh mương hoàn chỉnh có thể sử dụng phương pháp gieo thẳng bằng giàn kéo tay nhằm đẩy nhanh tiến độ và giảm bớt áp lực căng thẳng về nhân lực. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho rằng: Mặc dù có bị tác động của đợt rét đậm, rét hại, kéo dài, nhưng do rét sớm nên không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất, nhất là khung thời vụ gieo cấy lúa, ngược lại còn làm cho mạ được, cứng cáp và ngăn chặn được một số loại mầm bệnh hại lúa. Dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng Nho Quan tin tưởng sẽ có một vụ sản xuất thắng lợi, mà trước hết là sẽ gieo cấy nhanh gọn lúa đông xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
Khác với Nho Quan, Yên Khánh lại là huyện đồng bằng của tỉnh với tổng diện tích sản xuất trong vụ là 8.500 ha, trong đó có: 7100 ha lúa, 1000 ha lạc, 350 ha rau các loại. Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Đến thời điểm này khâu làm đất đã cày được 100% diện tích, có 5000 ha đã bừa cấy. Khâu nước đã đảm bảo được trên 91% diện tích. Khâu mạ đã hoàn tất với 100% gieo ở trà xuân muộn và được che phủ bằng nilon trong. Thời tiết, khí hậu ấm áp nên mạ sinh trưởng phát triển tốt và chờ khi mạ đủ 2 lá là có thể cấy. Dự kiến ngày 12-2 các địa phương trong huyện sẽ huy động tổng lực và đồng loạt xuống đồng gieo cấy lúa đông xuân và sẽ kết thúc trước ngày 25-2. Kinh nghiệm sản xuất đã nhiều năm cho thấy: Đây là khâu quan trọng trong chu trình sản xuất lúa, nó ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cũng như chất lượng lúa về sau này, nên người nông dân trong huyện biết phải làm gì để gieo cấy nhanh: huy động mọi nhân lực có thể, thuê mượn người, đổi công cho nhau… Họ tranh thủ mọi thời gian: Sớm, trưa, tối…khi nắng ấm để làm việc nên tỷ lệ ruộng được phủ kín lúa thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Hiện tại người dân đang tập trung cho các công việc như: Đắp bờ, san ruộng; chuyển phân bón lót, lấy nước. ở các đơn vị có ruộng màu (Khánh Ninh, Khánh Mậu, Khánh Hải, Khánh Hồng…) tập trung trồng lạc xuân và rau. Đến ngày 9-2 đã có trên 400 ha lạc xuân được trồng và dự kiến sẽ trồng xong 1000 ha lạc vào ngày 15-2.
Đó chỉ là 2 trong số 8 huyện, thị, thành phố của tỉnh đang tích cực triển khai vụ sản xuất đầu tiên trong năm, mà cụ thể là gieo cấy nhanh gọn lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Đi khắp các vùng miền trong tỉnh, ở đâu cũng có khí thế tấp nập, nhộn nhịp xuống đồng ngày từ những ngày đầu năm. "Thiên thời, địa lợi", cùng với sự chuẩn bị chủ động,chu đáo, tích cực của các địa phương và người dân, hy vọng vụ sản xuất này lại thắng lợi trên tất cả các mặt.
Đinh Chúc