Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 107 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I, 3 chợ hạng II, còn lại là chợ hạng III và chợ tạm. Theo kết quả điều tra, khảo sát của ngành Công thương, tại 107 chợ có 9.310 hộ kinh doanh hàng thực phẩm như: thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chín chế biến sẵn, hàng ăn uống, lương thực, thực phẩm và hoa quả. Các hộ kinh doanh hàng thực phẩm tại các chợ chủ yếu có quy mô nhỏ và bán lẻ là chủ yếu. Hàng thực phẩm kinh doanh tại các chợ chiếm tỷ khoảng 40% tổng giá trị hàng hóa kinh doanh tại các chợ, nhất là các chợ ở khu vực nông thôn.
Các trang thiết bị của các hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ đều là tạm bợ, không đáp ứng yêu cầu đảm bảo VSATTP. Hầu hết các hộ kinh doanh không có sổ sách theo dõi hàng hóa nhập, xuất; không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa nên việc quản lý chất lượng hàng thực phẩm gặp nhiều khó khăn…
Thực hiện Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 20/9/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương dự án xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Ngành công thương đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về VSATTP cho cán bộ quản lý Nhà nước, các hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, các giảng viên và đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung cơ bản của Luật an toàn thực phẩm; một số văn bản, quy chuẩn quy định về VSATTP đang có hiệu lực do các Bộ, ngành Trung ương ban hành và định hướng quản lý VSATTP trong thời gian tới.
Thông qua tập huấn đã giúp cho các bộ quản lý, các cơ sở kinh doanh hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm; nhất là các điều kiện, phương pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh thực phẩm tại các chợ nhằm góp phần giảm số vụ ngộ độc do thực phẩm gây ra và đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tin, ảnh: Thanh Chiên