Trước đây, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan, ở xã Gia Thủy (huyện Nho Quan) phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng, bởi thế mà cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng. Thỉnh thoảng, chồng chị đi làm thuê, tuy không ổn định nhưng cũng thêm được đồng ra, đồng vào. "Còn trẻ, nhưng lại không có việc làm ổn định để đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình, tôi cũng thấy mặc cảm với chồng. Tôi không đủ tự tin để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ giữa hai vợ chồng khi bản thân tôi còn đang sống phụ thuộc. Tôi không muốn kéo dài mãi cuộc sống phụ thuộc như thế, vì vậy đã quyết định đi học nghề may công nghiệp và đã tìm được một công việc ổn định ngay tại một xưởng may trong xã. Có thêm thu nhập, tôi có thể san sẻ gánh nặng kinh tế với chồng, đồng thời chia sẻ với chồng tôi những khó khăn, vất vả sau mỗi ngày làm việc. Tình cảm giữa hai vợ chồng vì thế càng thêm yêu thương, bền chặt"- chị Ngoan chia sẻ.
Đồng chí Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy cho biết, hiện nay toàn xã có 6.178 nhân khẩu, trong đó có 3.223 người trong độ tuổi lao động, quá nửa số đó là lao động nữ. Cuộc sống của bà con phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và vấn đề tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn thực sự là bài toán khó. Những năm gần đây, với việc thành lập các công ty nhỏ, các tổ hợp may tại địa phương là giải pháp hữu hiệu, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Hiện nay, toàn xã có 3 công ty và 2 tổ hợp may đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 1 nghìn lao động địa phương, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Có việc làm, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động nữ mà quan trọng hơn góp phần trong việc nâng cao vị thế của người phụ nữ ở trong chính gia đình của mình. Mặt khác, khi được đi làm, được giao lưu với bạn bè, chị em được chia sẻ, trao đổi với nhau những kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con ngoan, cách để gìn giữ hạnh phúc gia đình… Đó là những thay đổi rất tích cực, thiết thực, góp phần lan tỏa và đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa của địa phương đi vào thực chất.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn. Theo báo cáo của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, hiện lao động nữ của tỉnh ta chiếm trên 50%. So với khu vực thành thị, phụ nữ nông thôn chưa có việc làm ổn định chiếm số lượng lớn. Đời sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nông, vì vậy vào thời điểm nông nhàn, nhiều chị em lâm vào cảnh thất nghiệp, do đó lao động nữ nông thôn luôn khao khát được học nghề và có việc làm để có nguồn thu nhập ổn định. Năm 2019, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cấp Hội nông dân tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 800 nghìn lượt hội viên nông dân, trong đó có 80% là hội viên nông dân nữ… tạo cơ hội cho phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế. Các cấp Hội Phụ nữ cũng đã lập danh sách hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ, xác định nguyên nhân, phân công cán bộ Hội giúp trên 200 hộ thoát nghèo.
Đến nay, nguồn vốn do các cấp Hội quản lý là gần 3 nghìn tỷ đồng, cho gần 86 nghìn lượt người vay, trong đó có 14.251 lượt phụ nữ nghèo, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ tại địa phương. Hội Phụ nữ tỉnh cũng tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được chú trọng.
Trong năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho trên 17 nghìn người, trong đó có 12 nghìn người là nữ, chiếm trên 70%; tỷ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật là 685 người… Có nghề trong tay, phụ nữ có thêm cơ hội để tìm việc làm phù hợp. Riêng năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tư vấn cho trên 9 nghìn lượt lao động nữ, giới thiệu việc làm cho hơn 200 lao động nữ. Cũng trong năm 2019, đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay thêm 118,03 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ lên trên 2 nghìn tỷ đồng cho trên 89 nghìn lượt người vay, trong đó có trên 28 nghìn phụ nữ nghèo. Với sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng xã hội, phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế, trong đó nhiều phụ nữ còn vươn lên làm chủ các doanh nghiệp. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.800 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 400 doanh nghiệp do phụ nữ đứng chủ, chiếm 14,6%.
Đào Hằng