Gia đình chị Trịnh Thị Hương là hộ làm ăn giỏi có tiếng ở xã Khánh Hòa (Yên Khánh). Chị Hương cho biết, hiện mô hình chăn nuôi lợn, vịt, cá sấu, nhím… mang lại cho gia đình chị mức thu nhập khá. "Mỗi năm, trừ các loại chi phí, gia đình tôi thu được ngót 700 triệu đồng từ chăn nuôi". Chị nói:
Trước năm 2006, cuộc sống của gia đình chị Hương còn nhiều khó khăn. Cả hai vợ chồng chị đều làm nông nghiệp, công việc vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Thế rồi gia đình chị được Hội Phụ nữ huyện tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT... Chị Hương bắt đầu đầu tư nuôi 50 con lợn thịt với diện tích chuồng trại là 100m2.
Việc chăn nuôi giúp gia đình chị có khoản thu nhập khá. Chị tiếp tục được Hội Phụ nữ cho vay thêm 5 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Gom sạch tiền tiết kiệm của gia đình, chị mua thêm 8 con lợn nái, 50 con lợn thịt, 1.600 con vịt đẻ, 6 cặp nhím và thuê 6 ha ao thả cá. Chị nói rằng: Công việc chăn nuôi lúc đầu khó khăn lắm. Mỗi loại vật nuôi yêu cầu kỹ thuật, chế độ chăm sóc, cách phòng bệnh khác nhau. Thế nên chị phải tìm tòi, học hỏi thêm về cách chăm sóc, phòng bệnh cho từng loại qua những tài liệu tham khảo, qua các lớp học chuyển giao KHKT do Hội Phụ nữ tổ chức. Nhờ thế mà công việc cứ tốt dần lên.
Gia đình chị Hương là một trong những thành công tiêu biểu của chương trình hỗ trợ lao động nữ nông thôn đã được tỉnh ta đẩy mạnh những năm qua. Trong đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm được xem là nhiệm vụ chiến lược để phát triển nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, các cấp, các ngành tích cực thực hiện các chính sách ưu đãi, dạy nghề cho lao động nữ vùng nông thôn, phụ nữ nghèo và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Triển khai chủ trương này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương, ngành chức năng mở nhiều lớp dạy nghề phù hợp với thị trường lao động, khả năng của từng người và tình hình thực tế của mỗi địa phương. Sở tổ chức tư vấn nghề cho học viên khi đăng ký tham gia học nghề, tư vấn học nghề kết hợp với tư vấn việc làm nhằm hỗ trợ tích cực để học viên có việc làm và làm việc tốt sau đào tạo.
Phương pháp dạy và học được đổi mới, học lý thuyết luôn được gắn với thực hành; thường xuyên trao đổi, giải đáp những thắc mắc của chị em liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm… người lao động đã tiếp thu kiến thức tốt, áp dụng có hiệu quả vào thâm canh, tăng vụ, chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công tác dạy nghề được cụ thể hóa trong các kế hoạch công tác hàng năm, việc đào tạo nghề cho phụ nữ được gắn với triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Trung tâm Dạy nghề Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương tổ chức khảo sát số lao động nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong hội viên phụ nữ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dạy nghề, nhất là các chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, miền núi, những vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật, các biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng gia đình, từng đối tượng
Đến nay, Hội Phụ nữ các cấp đã xây dựng được 1 CLB Doanh nhân nữ cấp tỉnh và 4 CLB Doanh nhân nữ cấp huyện, thu hút 334 nữ chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, góp phần liên kết đào tạo, cung ứng nguồn lao động có tay nghề cao; phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm từ các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ…
Việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) được đẩy mạnh đã đem lại kết quả tốt. Đến cuối tháng11-2011, các địa phương trong tỉnh đã mở được 194 lớp dạy nghề về: khâu chăn xuất khẩu, đan bèo bồng, thêu ren, may xuất khẩu, đính hạt cườm… cho 7.648 học viên, giới thiệu việc làm cho 3.735 người với mức thu nhập bình quân từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng/người/tháng... Tuy nhiên, thực tế hiện vấn đề việc làm cho lao động, nhất là đối với lao động nữ còn nhiều khó khăn, bất cập. Một trong những nguyên nhân cố hữu của tình trạng này là tâm lý coi phụ nữ là lực lượng lao động chỉ mang lại thu nhập thứ yếu, sau nam giới... đã khiến nhiều lao động nữ mặc dù có trình độ, tay nghề cao nhưng không được sử dụng và hưởng thù lao như nam giới. Đáng chú ý, số lao động nữ thất nghiệp, thiếu kiến thức, thiếu vốn làm ăn còn khá lớn, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, miền núi. Hiện, nhiều phụ nữ vẫn phải làm những công việc nặng nhọc, nhưng năng suất và thu nhập thấp như bốc vác, xây dựng... Thiếu việc làm ổn định, kiến thức pháp luật hạn chế, nhiều phụ nữ đã trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình, ngược đãi, buôn bán người, nhiều người khác thì kiếm tiền bằng con đường phi pháp (cờ bạc, buôn bán ma túy, mại dâm...).
Để công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nữ đạt hiệu quả cao thì bên cạnh việc dạy nghề, đào tạo lao động có tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật cao, các cấp, ngành, đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề giải quyết việc làm, tạo "đầu ra" thông thoáng để lao động nói chung và lao động nữ nói riêng thể hiện được tính năng động, tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất, đáp ứng yêu cầu công việc thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, góp phần giúp chị em nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội. Suy cho cùng, bình đẳng giới phải đồng nghĩa với sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế.
Thu Hằng