Từ sáng sớm, không khí tại khu kho vật tư của HTX nông nghiệp Đức Long đã rất tấp nập. Hàng chục người đang làm việc tất bật, người chuyển vầu từ ô tô xuống, người cân, phân loại tăm hương, xa xa từng đoàn người chở những bó tăm hương từ mọi ngả đường đổ về sân UBND xã.
Vừa dỡ những bó tăm hương xuống xe, bà Đinh Thị Khuyến vừa tươi cười kể, nhiều hộ dân trong xã 3 năm trước ngoài lúa ra chỉ biết đi củi, móc cua, bắt cá ngoài đồng. Những thứ đó rồi cũng cạn kiệt dần. Người dân vùng quê này trước đây thuộc diện nghèo, nhiều gia đình vừa thu hoạch xong đã phải đi vay, mượn vì trước đó đã phải bán lúa trả nợ. Nhưng rồi những ngày tháng nghèo khó ấy qua đi khi nghề chẻ tăm hương bén rễ đến nơi này.
Anh Quách Nho Đĩnh, Chủ nhiệm HTX, là một trong những người đầu tiên đưa nghề về xã cho biết: "Đức Long là một xã nghèo của huyện Nho Quan, điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nơi đây lại nằm trong vùng xả lũ nên chỉ có vụ chiêm là chắc ăn, còn vụ mùa thường chỉ cấy được phần nửa diện tích, thu hoạch cũng rất bấp bênh. Lãnh đạo xã đã bàn bạc tìm nhiều biện pháp giúp bà con phát triển nghề phụ để tăng thu nhập. Nghề chẻ tăm hương đến với chúng tôi cũng ngẫu nhiên. Qua thông tin từ báo, đài, được biết nhiều nơi có làng nghề tiểu thủ công nghiệp, Ban quản trị HTX đã đi tham quan, tìm hiểu tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Tại đây chúng tôi thấy nghề chẻ tăm hương phù hợp với điều kiện của người dân địa phương nên quyết định ký hợp đồng và mời thầy về truyền nghề tại xã. Lúc đầu mở được 2 lớp cho trên 100 lao động, đến nay cả xã đã có 6/12 thôn tham gia với khoảng 300 người làm. Mỗi tháng HTX xuất được gần 20 tấn sản phẩm, nghề mới đã góp phần tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình trong xã". Rút kinh nghiệm từ sự thất bại của nhiều mô hình nhân cấy nghề mới do đầu ra cho sản phẩm không có, đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm luôn luôn gặp khó khăn. Để phát triển nghề mới, HTX đã đứng ra ký hợp đồng với cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Là tại Hà Nội và doanh nghiệp Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình). Hợp đồng HTX ký được thực hiện theo phương thức cơ sở sản xuất tổ chức truyền nghề, cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Sau khi ký hợp đồng, HTX bỏ tiền để thuê thầy dạy và trả lương cho bộ phận điều hành. Tuy nhiên, để nghề này trụ được và phát triển ban đầu cũng không dễ chút nào. Ban quản trị HTX đã kết hợp với các đoàn thể phải vận động để người dân tham gia làm nghề. Lúc đầu HTX phải đứng ra hỗ trợ kinh phí quản lý điều hành, đảm bảo cho tất cả những người tham gia làm nghề đều có thu nhập từ sản phẩm họ làm ra, người nhiều có thể kiếm được 15 -30 nghìn đồng/người/ngày (tùy theo thời gian và tay nghề), người ít cũng đủ thanh toán tiền dịch vụ nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc trừ sâu…) cho HTX. Từ lợi ích thiết thực đó, người dân Đức Long bắt đầu say mê và nghề chẻ tăm hương dần lan rộng ra cả xã. Với phương thức sản xuất tại hộ, nghề chẻ tăm hương có lợi thế là không phải đầu tư nhà xưởng, giữ gìn được vệ sinh môi trường, tận dụng được lao động ở nhiều lứa tuổi cùng tham gia. Chị Là, chủ cơ sở chuyên xuất khẩu tăm hương, cho biết thêm: "sau 3 năm phát triển nghề ở Đức Long, chúng tôi thấy tay nghề của người dân ở đây khá tốt, lại chăm chỉ thật thà, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, nghề trẻ tăm hương có triển vọng phát triển ổn định và lâu dài. Thời gian tới, cơ sở sẽ giao cho HTX những sản phẩm khó hơn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Thái Lan, Inđonexia.....".
Người dân Đức Long xuất bán tăm hương
Theo đồng chí Đinh Đức Khích, Phó chủ tịch UBND xã thì công tác tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp đã phát huy hiệu quả, giúp cho cán bộ và nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia vào chương trình nhân cấy nghề mới. Sản xuất phát triển không những đem lại thu nhập cho mỗi hộ dân mà còn tạo bước chuyển dịch lớn trong cơ cấu kinh tế của xã, làm thay đổi bộ mặt của làng quê.
Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển nghề vừa nhân cấy không hẳn chỉ có thuận lợi. Một trong những khó khăn hiện nay ở Đức Long đó là vốn đầu tư cho sản xuất, mở rộng thị trường và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Do hạn chế vốn nên quy mô sản xuất của ngành nghề mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, thời vụ, sản phẩm mới chỉ là gia công một công đoạn nên giá trị gia tăng thấp. Đó cũng là điều mà các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm HTX đang trăn trở, làm sao để các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn có được tính bền vững. Vì vậy, thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của bà con, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện về đất đai, nhà xưởng cho HTX để mở rộng sản xuất, từng bước hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất khẳng định thương hiệu, tìm chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường.
Với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong xã có thể tin tưởng nghề chẻ tăm hương ở Đức Long sẽ tiếp tục phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Bài, ảnh: Quốc Khang