Một ngày của chị Bùi Thị Hoa, ở ý Yên (Nam Định) làm nghề thu mua đồng nát bắt đầu từ rất sớm. Trở dậy lo bữa ăn sáng cho mấy đứa con để chúng còn kịp đến trường, chuẩn bị sẵn bữa trưa rồi ăn vội bát cơm… sau đó, chị Hoa dắt xe ra khỏi nhà đi hàng chục km sang thành phố Ninh Bình thu mua hàng.
Chị Hoa kể, ở quê chị, nghề đồng nát có từ lâu lắm rồi, đặc biệt phát triển mạnh trong chục năm trở lại đây. Bao thế hệ người dân quê của chị đã bám vào nghề mà sống và phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học. Làm nghề vất vả này có cả đàn ông và phụ nữ song số người là nữ chiếm nhiều hơn cả. "Để làm được nghề này phải tảo tần, lam lũ, kiên trì. Có những ngày đi từ sáng đến tối, len lỏi từng đường làng, ngõ xóm, từng con phố dưới tiết trời nắng nóng… những nhọc nhằn ấy nữ giới chấp nhận, chịu đựng giỏi hơn nam."- chị Hoa nói vậy. Rồi chị cho biết thêm, nghề đồng nát cần vốn đầu tư ít lại giải quyết được việc làm trong thời điểm nông nhàn, có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, vì vậy nghề này đã trở thành sự lựa chọn của nhiều phụ nữ nông thôn những năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nghề đi buôn đồng nát cũng đầy rủi-may. Hôm nào may mắn cũng được tiền trăm, nhưng có hôm chẳng mua được gì. Như hôm nay, đã quá trưa mà chị vẫn chưa thu mua được gì nhiều ngoài vài lon nước ngọt chị nhặt nhạnh ở ven đường. Nhưng không sao cả, phải kiên trì thôi. Năm nay, con gái lớn của chị sẽ thi tốt nghiệp lớp 12 và sẽ vào Đại học. Chị sẽ cố gắng để chuẩn bị dần kinh phí cho cháu. Nhoẻn nụ cười, chị Hoa tạm biệt chúng tôi rồi vội vã đạp xe lướt đi. Nhìn dáng người nhỏ bé, nước da đen sạm vì nắng gió, ít ai ngờ rằng mỗi ngày người phu nữ này có thể đạp được trên 50 km.
Chị Chín ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn năm nay ngoài 40 tuổi. Chị gắn bó với nghề thu mua đồng nát từ chục năm nay. "Vợ chồng tôi có vài sào ruộng để cấy lúa thôi. Vậy nên vào thời điểm nông nhàn, tôi đi thu mua đồng nát. Gọi là nghề phụ nhưng thực ra đó là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi đấy. Vất vả lắm, nhưng không thể bỏ nghề được, vì ở tuổi ngoài 40 như tôi không còn phù hợp để đi làm công nhân nữa"- chị Chín nói. Ở quê chị, không có nhiều người làm nghề này, vì vậy, mà nguồn hàng của chị cũng dư dả hơn. Cứ len lỏi vào từng thôn xóm, đi quanh xã, rồi sang cả các xã lân cận… ghé quán tạp hóa để thu mua vài lon nước ngọt, nhất là ở đâu có tiệc cưới hay sự kiện gì đặc biệt, chị Chín túc trực, chờ tới khi tan tiệc để thu gom vỏ chai, lon nước. Thậm chí, các gia đình sau khi có công việc lớn đều gọi chị tới để bán phế liệu. Vì vậy, cứ cuối ngày, chị Chín trở về nhà với một xe thồ nặng hàng hóa.
Hiện nay, ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở thu mua phế liệu. Theo lời chủ một cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố Ninh Bình, thì tuy không sợ ế ẩm như buôn bán, kinh doanh các loại mặt hàng khác, hàng đồng nát cứ đến điểm thu gom bán là có lãi. Nhưng nghề nào cũng có rủi ro, vì nghề buôn đồng nát không có phương tiện bảo hộ lao động nên dễ mắc các bệnh ngoài da, hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất độc hại và nguy cơ gặp tai nạn giao thông luôn rình rập bởi thồ chở hàng cồng kềnh…
Mỗi người một hoàn cảnh, song đến với nghề thu mua đồng nát này thì ai cũng nhọc nhằn, lam lũ. Nhớ lại lời nói của chị Bùi Thị Hoa trước khi chia tay chúng tôi: "nhiều lúc không khỏi chạnh lòng vì cái nghề vất vả, lấm lem ấy. Tuy nhiên, làm mãi rồi cũng thành quen, thành yêu nghề từ khi nào chẳng rõ.
Không chỉ là những cuộc rong ruổi đầy may rủi, mà đó còn là khoảnh khắc phải nín thở "ngụp" trong bãi rác, kiên trì nhặt nhạnh những gì có thể bán được… nhưng với chúng tôi, phía sau công việc vất vả này lại là cả một tương lai của con trẻ. Chỉ có được học hành đến nơi đến chốn, tương lai của chúng nó mới tươi sáng hơn đời bố mẹ"- lời nói mộc mạc nhưng thật hiểu biết của người phụ nữ quê mùa làm nghề mua đồng nát khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, cảm phục.
Bài, ảnh: Đào Hằng