Khai thác tốt tiềm năng Sự đa dạng của yếu tố văn hóa và thiên nhiên là lực hút đầu tiên đối với du khách trong và ngoài nước đến với Ninh Bình. Đặc biệt từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được Unesco vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Ninh Bình được coi như một điểm sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam và được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế nhắc đến trong thời gian qua như chuyên trang du lịch "This is insider" của Mỹ bình chọn Ninh Bình đứng đầu trong 50 địa điểm hấp dẫn mà bạn phải đến trong năm 2018. Tờ Telegraph nước Anh bầu chọn Ninh Bình là 1 trong 15 địa điểm tuyệt đẹp nhưng chưa nhiều người biết tới trên thế giới.
Tạp chí Business Insider bình chọn cánh đồng Tam Cốc là 1 trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam. Ninh Bình còn được bình chọn là 1 trong 7 địa danh có cảnh quan đẹp nhất ở Đông Nam á do Butterfield & Robinson, là một trong những nhà điều hành tour nổi tiếng của Canada bình chọn...
Được ví như "Vịnh Hạ Long trên cạn" nhưng giá trị của di sản Tràng An còn được kết nối với những giá trị văn hóa lịch sử như Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, hệ thống núi đá được xem như thành lũy trong quá trình dựng nước và giữ nước của 3 triều đại Đinh- Tiền Lê và Lý ở thế kỷ thứ X. Bên cạnh đó, sự phát triển của Phật giáo trong giai đoạn này được xem là những giá trị tinh thần ngàn đời của người Việt.
Sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình trong những năm gần đây không chỉ nằm ở việc khai thác tốt các tour, tuyến tham quan hay các danh lam thắng cảnh trên địa bàn, mà những công trình hạ tầng du lịch được đầu tư xây dựng đã và đang trở thành sự lựa chọn và cân nhắc tiếp tục quay trở lại của du khách đối với du lịch Ninh Bình.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 45 dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch với số vốn đăng ký trên 20 nghìn tỷ đồng như: Dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Cúc Phương, với diện tích 99 ha, thuộc địa bàn 2 xã Cúc Phương, Kỳ Phú (huyện Nho Quan), tổng số đăng ký gần 750 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khu dịch vụ, thuộc Trung tâm hội nghị tỉnh, với diện tích 1,8ha tại Trung tâm thành phố Ninh Bình, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Thung Nham tại xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), với diện tích 33ha, tổng số đăng ký 221 tỷ đồng; Sân Golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, với diện tích 673,64 ha, tổng số vốn đăng ký 1.757 tỷ đồng...
Để phát triển du lịch bền vững, Ninh Bình đã tranh thủ được sự đầu tư của bộ, ngành Trung ương, do đó đã có nhiều dự án, công trình văn hóa phục vụ phát triển du lịch được Nhà nước đầu tư như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành; Dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình.
Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ thương mại như: siêu thị Big C, siêu thị Vinmart, Siêu thị Pico…được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp đã góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh, tạo các điểm vui chơi giải trí và dịch vụ ăn, nghỉ cho du khách. Có thể khẳng định việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch là điều kiện then chốt để nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp không khói trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch Ninh Bình trong những năm qua.
Cần tăng cường liên kết, hợp tác
Không thể phủ nhận sự trưởng thành vượt bậc của ngành du lịch Ninh Bình trong những năm gần đây. Những chính sách phát triển du lịch của tỉnh đã tiếp sức cho hệ thống doanh nghiệp du lịch không ngừng lớn mạnh, cơ sở hạ tầng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu kinh doanh thương mại, giải trí; các tuyến du lịch, loại hình du lịch đa dạng… tạo nên diện mạo mới và có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển của ngành du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Đồng chí Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng: Du lịch Ninh Bình vẫn chưa tạo được bước phát triển đột phá để khẳng định du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Để từng bước giải quyết những vấn đề trên, ngành Du lịch cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, các vùng và lãnh thổ. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần bổ sung sự đa dạng hóa, tạo ra sức hấp dẫn chung cho các sản phẩm du lịch chất lượng cao, qua đó góp phần quan trọng vào việc mở rộng và nâng cao chất lượng phát triển ngành Du lịch.
Yếu tố đầu tiên để tạo nên mối liên kết theo đồng chí Hoàng Thanh Phong phải kể đến thị trường quảng bá và xúc tiến du lịch với trọng tâm là xây dựng thương hiệu du lịch cho toàn vùng, xác định tour du lịch mẫu, điển hình của từng địa phương và toàn vùng; kết nối các sự kiện, lễ hội riêng của từng tỉnh, thành phố để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch nhằm thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách du lịch.
Ngành du lịch các tỉnh phải thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tài nguyên du lịch, giới thiệu tuyến, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương, tình hình phát triển du lịch... trên cơ sở thực hiện kết nối các Website du lịch của các địa phương trong vùng.
Để tạo sự phát triển bền vững các địa phương cần chú trọng hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ con người trong khai thác, kinh doanh du lịch, không để bị 'thương mại hóa' hoặc bị lạm dụng cho các mục đích khác khi đầu tư, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, cảnh quan tại các khu di tích lịch sử, sinh thái...
Việc liên kết giữa các địa phương cần tập trung thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch theo chuỗi như hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trước mắt là tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 38B, tuyến đường Bái Đính - Mỹ Đình; Phối hợp trong thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, các khu mua sắm đặc trưng và chất lượng cao, trên cơ sở có sự thống nhất trong quy hoạch sản phẩm du lịch dựa vào lợi thế của mỗi địa phương trong vùng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết đa phương và song phương giữa các địa phương trong thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Trao đổi kinh nghiệm phối hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân trong huy động vốn, chia sẻ hài hòa lợi ích trong quá trình đầu tư, khai thác kinh doanh. Liên kết đào tạo và phát triển nhân lực có trình độ cao về nghiệp vụ.
Đồng thời chú trọng tuyên truyền và giáo dục ý thức cho cộng đồng, đặc biệt là cư dân trực tiếp tham gia các hoạt động liên quan đến du lịch trong các khu du lịch trọng điểm về văn hóa giao tiếp, văn minh du lịch, thái độ ân cần niềm nở, giữ gìn cảnh quan môi trường.
Bảo Yến