P.V:Thưa đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, những năm qua khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp như thế nào trong nền kinh tế của tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch: Tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đánh giá, kinh tế tư nhân trong những năm qua không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả của nền kinh tế. Việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW đã tạo tiền đề để hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực của nền kinh tế.
Đối với tỉnh Ninh Bình, khu vực kinh tế tư nhân đang có sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng ở nhiều ngành, lĩnh vực, huy động được nhiều nguồn lực xã hội vào phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, qua đó tạo nền tảng cho nền kinh tế tỉnh nhà phát triển toàn diện và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao trong thời gian vừa qua. Cụ thể, một số chỉ tiêu thể hiện sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đối với kinh tế tỉnh Ninh Bình như sau:
Về đóng góp trong GRDP của tỉnh: Khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng chính trong giá trị GRDP của tỉnh và gấp nhiều so với các khu vực khác. Năm 2017, GRDP (theo giá hiện hành) toàn tỉnh đạt 42.589 tỷ đồng, thì đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân là 25.426 tỷ đồng, chiếm 59,7%; trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 18,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 7,7%.
Về đóng góp trong thu ngân sách địa phương: Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 50% tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh và có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2017, tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 5.082 tỷ đồng, chiếm 59,3% tổng số thu ngân sách; 9 tháng đầu năm 2018, tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 5.122 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng số thu ngân sách.
Về giải quyết việc làm và thu nhập: Khu vực kinh tế tư nhân đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 532,7 nghìn người, chiếm 82,85% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Yên Mô và thành phố Tam Điệp. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao GRDP bình quân đầu người/năm trên địa bàn tỉnh lên 48,5 triệu đồng.
P.V: Theo đồng chí đâu là điểm mạnh, điểm yếu của khu vực kinh tế tư nhân ở tỉnh ta hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch: Như phân tích ở trên, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh ta đang không ngừng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế. Tính đến thời điểm 30/9/2018, toàn tỉnh có 5.376 doanh nghiệp tư nhân; trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động; thu hút khoảng trên 80% tổng lao động thuộc các thành phần kinh tế; đóng góp trên 95% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Qua đó, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Điều đó có thể thấy, khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Ninh Bình ngày càng lớn mạnh cả về số lượng, quy mô vốn và ngành nghề đầu tư, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; bên cạnh đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân ngày càng được nâng cao.
Các doanh nghiệp tư nhân đã có sự chủ động, linh hoạt và nhạy bén trong phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng kịp thời với những biến động của thị trường và cơ chế kinh doanh.
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh Ninh Bình luôn có sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc tạo hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng bộc lộ một số yếu điểm, đó là đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; trình độ, máy móc thiết bị công nghệ sản xuất và kỹ năng quản trị doanh nghiệp chưa cao; việc huy động các nguồn lực cho phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, nhất là yếu tố ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và quản trị doanh nghiệp.
Chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược về đào tạo và đào tạo lại nhân lực, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện.
P.V: Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Ninh Bình đã triển khai những chính sách nào nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch: Nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ninh Bình đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là Nghị quyết 05-NQ/BCSĐ ngày 09/01/2018 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Kế hoạch 04/KH-UBND ngày 12/01/2018 của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh; Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 12/01/2018 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 15/01/2018 của UBND tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2023. Qua đó, tỉnh Ninh Bình đã tạo được hành lang pháp lý để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, các cấp, các ngành có liên quan đã công khai, minh bạch các thủ tục hành chính bằng các hình thức như: Niêm yết công khai các quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của đơn vị để tiếp nhận các ý kiến góp ý về quy trình, thủ tục, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra về cải cách hành chính tại đơn vị; thực hiện nghiêm túc làm việc ngày thứ bảy.
Cùng với đó, các ngành, các cấp tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên của Bộ phận "một cửa" và "một cửa liên thông", nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đối với lĩnh vực do đơn vị phụ trách như: rút ngắn thời gian thẩm định trình cấp có thẩm quyền cấp, hoặc cấp theo thẩm quyền các loại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh cho các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, xác nhận đăng ký tổ chức hội chợ,….
Trên cơ sở huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh Ninh Bình đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là hệ thống đường giao thông, mặt bằng sản xuất; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giao thương, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
P.V: Trong thời gian tới Ninh Bình sẽ chọn "khâu đột phá" nào để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch: Trong thời gian tới, kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tỉnh Ninh Bình lựa chọn khâu đột phá để tạo nên "sức bật" cho kinh tế tư nhân đó là: Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; đặc biệt, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, tạo bước chuyển mạnh mẽ về tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; kỹ năng quản lý đáp ứng yêu cầu thị trường; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc liên kết cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh với cơ quan quản lý Nhà nước, nhu cầu thị trường để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xác định định hướng phát triển cho doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)