Như vậy, đã có dấu hiệu tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất là hoàn toàn hợp lý và trên thực tế một số NHTM cũng đã thực hiện giảm lãi suất huy động . Qua khảo sát, các NHTM cho rằng hạ lãi suất lần này có tác dụng thúc đẩy cho vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo mối liên kết hỗ trợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp."Mục tiêu kép"
Ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Ngày 17-3-2014, NHNN đã ban hành hàng loạt quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Cụ thể là: Quyết định số 496/QĐ-NHNN giảm 0,5% lãi suất tái cấp vốn xuống 6,5%/năm, giảm 0,5% lãi suất tái chiết khấu xuống 4,5%/năm, giảm 0,5% lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng xuống 7,5%; Quyết định số 498/QĐ-NHNN giảm trần lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 1,2%/năm hiện nay xuống 1%/năm; giảm trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 7%/năm xuống 6%/năm (riêng các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm); Quyết định số 499/QĐ-NHNN giảm trần lãi suất cho vay VND kỳ hạn ngắn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ 9%/năm xuống 8%/năm, riêng các quỹ tín ụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm; Quyết định số 497/QĐ-NHNN qui định trần lãi suất tiền gửi USD của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0,25%/năm, giảm trần lãi suất tiền gửi USD của cá nhân từ 1,25%/năm xuống 1%/năm.
Nhận định về đợt điều chỉnh lãi suất lần này của NHNN Việt Nam, ông Phạm Ngọc ánh cho rằng: Những quyết định nêu trên được đưa ra nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về các biện pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 về phiên họp tháng 2-2014 của Chính phủ. Đồng thời, thể hiện nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn huy động tăng cao nhưng tín dụng tăng thấp mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã mở rộng cho vay tiêu dùng và đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Vì thế, các quyết định giảm lãi suất lần này được coi là nhóm giải pháp đồng bộ của NHNN với mục tiêu kép: hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, đồng thời đảm bảo lợi nhuận và tính an toàn của hệ thống các TCTD.
Động thái giảm lãi suất này cũng nằm trong định hướng chính sách dài hạn của NHNN là giảm dần mặt bằng lãi suất, phù hợp với tình hình trên các thị trường tài chính thế giới và khu vực, góp phần ngăn chặn tác động tiêu cực khi các nhà đầu cơ đẩy mạnh dòng vốn vào để trục lợi lãi suất, nhất là dòng vốn từ các nước phát triển vào những nước có tình hình ổn định và mức lãi suất cao hơn như Việt Nam và một số nước đang phát triển khác.
Kích cầu tín dụng
Việc NHNN quyết định giảm các mức lãi suất đợt này cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Việc lãi suất giảm sẽ khuyến khích tổ chức tín dụng tăng cường cho vay đối với các dự án mang lại hiệu quả, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời tạo ra mối liên kết hỗ trợ của ngân hàng cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Về phía các doanh nghiệp, việc giảm lãi suất sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý hơn. Mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp tốt, đáp ứng đủ yêu cầu của ngân hàng hầu hết đã được hưởng mức lãi suất khá thấp và hợp lý, ở mức 7 - 9%/năm. Theo hầu hết doanh nghiệp, thời điểm vay vốn ngân hàng bằng mọi giá, chấp nhận cả lãi suất 25-26%/năm không còn. Nếu ngân hàng không tìm cách "cứu" doanh nghiệp, bản thân ngân hàng cũng tự đẩy mình vào tình thế khó khăn vì doanh nghiệp được coi là "nguồn sống" của ngân hàng. Nếu ngân hàng chỉ huy động mà không thể cho vay thì sẽ phải đối mặt với việc nguồn vốn bị ứ đọng. Thực tế, cách chèo kéo khách vay tiền thời gian qua cho thấy ngân hàng đang dư dả và cần giải phóng nguồn tiền. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, bài toán giảm lãi suất cho vay cần được tính đến để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm các mức lãi suất chủ chốt của NHNN giống như một sự hỗ trợ cho tình hình nan giải của hệ thống ngân hàng hiện tại. Nhìn chung, chính sách này có thể là một tín hiệu tích cực đối với hoạt động ngân hàng trong tương lai.
Tuy nhiên, điều các NHTM đang quan tâm là việc trước đây cho ai vay và vay để làm gì còn hiện nay các NHTM cần quan tâm đến việc vay để làm gì và làm để làm gì. Nếu không có các chính sách kích cầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì dù lãi suất tiếp tục giảm nữa thì doanh nghiệp cũng không vay. Do vậy, cần phải kích thích tài chính công, khuyến khích thị trường phát triển thì doanh nghiệp mới vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Nếu tình hình như hiện nay thì ngân hàng vẫn thừa vốn.
Đại diện một NHTM trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho rằng: Động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý và phù hợp với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt ở mức thấp và thanh khoản hệ thống đang khá tốt trong khi tăng trưởng tín dụng chưa được đẩy mạnh. Tuy nhiên, nếu việc giải quyết nợ xấu không có những chuyển biến rõ rệt thì việc giảm lãi suất cho vay, nếu có, sẽ chủ yếu đến từ các khoản vay cũ".
Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc ánh: Để khơi thông dòng tín dụng, bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc xử lý các khoản nợ xấu; nhanh chóng điều chỉnh một số chính sách vĩ mô khác như chính sách tài khóa và chính sách thuế, đổi mới thực sự chính sách phát triển doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đây là những điều kiện cần thiết đối với việc giảm thiểu chi phí kinh doanh, qua đó sẽ thu hút doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tái lập mối quan hệ cân bằng giữa cung và cầu trong nền kinh tế.
Nguyễn Thơm