Hơn lúc nào hết, có lẽ các doanh nghiệp đang rất cần sự tạo điều kiện, giúp đỡ từ mọi phía để sản xuất, kinh doanh. Từ khó giải phóng mặt bằng
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường hiện đang thi công nhiều dự án trong tỉnh như: xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch của quần thể hang động Tràng An, xây dựng tuyến đường 477 kéo dài, dự án xây dựng quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê…Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc giải phóng mặt bằng khiến ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch của nhiều dự án. Ví dụ như: trên địa bàn thành phố Ninh Bình, còn một số hộ dân ở phía sau tượng đài Vua Đinh Tiên Hoàng Đế, giáp quốc lộ 1A… chưa chấp nhận đền bù GPMB để doanh nghiệp thi công; trên địa bàn huyện Hoa Lư, còn 01 hộ dân ở khu bến thuyền Tràng An và các hộ dân tại chân núi của xã Ninh Xuân…. . Câu chuyện GPMB cũng có không ít vấn đề làm khó cho Hội đồng đền bù GPMB của địa phương. Có doanh nghiệp thuê địa điểm sản xuất, kinh doanh đã tự ý cơi nới, xây dựng các công trình không trên đất được cấp phép nay phải GPMB cứ khăng khăng đòi đền bù, hỗ trợ; có doanh nghiệp đang được phép khai thác, nay vì thay đổi quy hoạch phải dừng khai thác trả lại mặt bằng, xét về cả lý và tình đều được đền bù, hỗ trợ nhưng doanh nghiệp làm công trình mới nhiều lúc không thiện chí, gây khó khăn cho tiến độ GPMB.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thi công, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp và đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tập trung GPMB tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trên địa bàn tỉnh
Cũng khó khăn trong việc GPMB là việc thực hiện dự án xây dựng trạm đập đá, tuyến băng tải vận chuyển nguyên liệu đá vôi từ mỏ về Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16/05/2005 và mới đây là Quyết định số 1488/2011/QĐ- TTg ngày 29/8/2011. Đến nay, Nhà máy đã xây dựng hoàn thành khoảng 90% khối lượng lắp đặt của giai đoạn 1. Theo dự kiến, cuối tháng 11 này, Nhà máy sẽ chạy thử và sẽ có sản phẩm đưa ra thị trường. Với công suất giai đoạn 1, Nhà máy sẽ cần mỗi ngày khoảng 6.000 tấn đá vôi. Nếu tuyến băng tải chưa xong thì lượng phương tiện bộ vận tải đá vôi về Nhà máy sẽ rất lớn có thể gây ùn tắc, tai nạn giao thông trên các tuyến đường ra, vào Nhà máy. Tìm hiểu việc này, chúng tôi được biết UBND huyện Hoa Lư đã hoàn chỉnh các thủ tục, tiến hành bồi thường GPMB đối với các hộ dân có tài sản, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu và hỗ trợ di chuyển mồ mả, chuyển đổi nghề nghiệp của các hộ bị ảnh hưởng… và đã bàn giao phần lớn diện tích bị thu hồi cho đơn vị thi công.
Tuy nhiên, việc GPMB thực hiện dự án đến nay chưa xong là do "vướng" trong việc quy định thu hồi đất 2 lúa. Ở Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng, qua tìm hiểu chúng tôi thấy tâm trạng cán bộ, công nhân viên đang rất lo lắng cho đời sống của mình và của cả Nhà máy. Đó là giai đoạn 1 Nhà máy sắp hoàn thành, nhưng lại không có nguyên liệu đá vôi để sản xuất xi măng. Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản (Bộ Tài nguyên- Môi trường) đã phê duyệt trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng của Hệ Dưỡng là 161.646 nghìn tấn tại khu vực núi Mả Vối (Ninh Vân- Hoa Lư), nhưng các hồ sơ, thủ tục để cho hòn đá vôi từ núi, lên tuyến băng tải về Nhà máy…vẫn đang "đợi đấy". Mua đá vôi từ các nơi khác về để sản xuất thì giá thành của xi măng Hệ Dưỡng sẽ là bao nhiêu đồng/tấn? Mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn xi măng của tỉnh ta trong năm 2010 rất có thể không hoàn thành cả trong năm 2011…
Đến việc bồi thường, hỗ trợ.
Điển hình của việc khó này là của Công ty khai thác khoáng sản Tây Nguyên (sau đây gọi tắt là Công ty Tây Nguyên) thuộc Tổng Công ty Than Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) với một số hộ dân thuộc hai thôn Bãi Sải và Tân Nhuận xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp.
Sự việc có thể tóm tắt như sau: Công ty Tây Nguyên được Công ty than Đông Bắc giao nhiệm vụ thăm dò, khai thác mỏ than nâu Đồng Giao xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp. Trong quá trình bóc lớp đất đá cứng phía trên để khai thác than, Công ty Tây Nguyên thuê một đơn vị khác làm các thủ tục và nổ mìn. Đơn vị này đã nổ làm ảnh hưởng tới nhà cửa, vật kiến trúc của 286 hộ dân thuộc hai thôn Bãi Sải và Tân Nhuận gần đó. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền xã, thị xã, các ngành chức năng của tỉnh cùng với Công ty Tây Nguyên đã làm các thủ tục bồi thường, hỗ trợ những thiệt hại do việc nổ mìn gây ra cho người dân. Tính đến ngày 11-11-2011, đã có 260 hộ dân nhận tiền bồi thường và hỗ trợ. Còn 26 hộ dân chưa nhận tiền. Lý do các hộ này đưa ra là giá đền bù thấp, nhưng cũng như đối với các hộ chưa nhận tiền đền bù GPMB ở các dự án khác, là thấp so với văn bản quy định nào thì người dân lại không đưa ra được. Những hộ này vẫn tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, Công ty Tây Nguyên có thái độ nghiêm túc trong việc xử lý hậu quả nổ mìn như: dừng toàn bộ hoạt động đến nay đã hơn 10 tháng; cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương bàn biện pháp và tích cực đền bù hỗ trợ thiệt hại của người dân; cam kết khi khai thác tiếp sẽ không dùng mìn nữa…. Về phía người dân thuộc hai thôn Bãi Sải và Tân Nhuận, họ cũng không hề mong muốn được nhận đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tuyệt nhiên không muốn gây khó khăn cho việc sản xuất của Công ty Tây Nguyên. Tuy vậy, cũng phải đặc biệt thông cảm với hoàn cảnh của họ. Nhiều người dân ở đây chắt chiu, gom góp khó nhọc mới xây dựng được gian cửa, gian nhà có chỗ ăn, ở tránh trú mưa, gió. Không may rung chấn do nổ mìn, nhà dột, tường nứt, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống…. Bồi thường thiệt hại sao cho "hợp lý, hợp tình" thật chẳng dễ chút nào.
Thị xã Tam Điệp đã nhiều lần bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, để Công ty Tây Nguyên tiếp tục sản xuất. Phải khẳng định là chính quyền và doanh nghiệp đã vận dụng và thực hiện đúng các chế độ, chính sách quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và có đến hơn 90% hộ dân bị thiệt hại đã chấp nhận đền bù. Tuy vậy, vẫn còn một số hộ dân chưa chấp nhận, tiếp tục có việc làm cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Giải pháp đẹp nhất để giải quyết quyền lợi của người dân và doanh nghiệp ở đây là hòa giải và cuối cùng nếu không xong thì chỉ còn cách là đưa nhau ra Tòa án. Làm gì để tạo điều kiện cho Công ty Tây Nguyên tiếp tục đi vào sản xuất, câu trả lời xin được chuyển đến cả hệ thống chính trị và 26 hộ dân của xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã khẳng định: "Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc tạo mọi điều kiện thuận lợi để duy trì, ổn định sản xuất các sản phẩm hiện có trên địa bàn; phát huy tối đa công suất các nhà máy xi măng. Đưa các dự án lớn… đi vào hoạt động đúng tiến độ". Do vậy, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là thiết thực góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Nguyễn Đông