Có lẽ đến nay không còn mấy người không biết đến cơ sở may của chị Dương Thị Sáu ở xóm II, Yên Thắng (Yên Mô) không chỉ vì cơ sở may này rất có uy tín mà còn bởi vì nơi đây là một trong những cơ sở hầu hết người lao động là người khuyết tật, hiện có sở có 18 lao động thì có 13 người khuyết tật, chủ yếu là người khuyết tật vận động.
Với ý định ban đầu là mở một hiệu may để giúp người nghèo và người khuyết tật có việc làm ổn định. Nhưng mãi đến tận năm 2006 chị mới thực hiện được nguyện vọng của mình. Ban đầu chị chỉ nhận dạy cho một em bị khuyết tật vận động bẩm sinh. Mặc dù điều kiện gia đình chị cũng còn rất nhiều khó khăn, con còn nhỏ, chồng đi công tác xa nhưng chị đã sắp xếp công việc hợp lý để có thể dạy được em. Với tình trạng sức khỏe không tốt, trình độ văn hóa thấp, lại chưa lao động bao giờ nhưng nhờ sự kiên trì và tình thương của mình chị Sáu đã giúp cho em vượt qua mặc cảm. Gia đình em thấy con mình từ khi đi học đã thay đổi, tính nết nhanh nhẹn, vui vẻ, biết cắt may quần áo cho gia đình ai cũng mừng. Thành công ban đầu giúp cho chị Sáu có thêm quyết tâm nhận đào tạo việc làm cho người khuyết tật và tạo việc làm cho họ. Sau đó chị nhận thêm 8 em khuyết tật, trong đó có 3 em bị câm điếc. Chị tâm sự: "Lúc đầu tôi rất lo lắng vì từ trước tới nay, tôi chưa hề tiếp xúc với người câm điếc lần nào. Nhiều lúc tôi băn khoăn không ăn, không ngủ được. Nhưng cứ mỗi đêm tôi không ngủ được tôi lại tìm ra một ý hay để dạy cho trẻ khuyết tật. Rất may khi ấy được sự quan tâm của tổ chức Quan tâm thế giới tạo cơ hội cho tôi và các em đi tập huấn nâng cao nhận thức, thầy, trò tôi được học lớp ngôn ngữ ký hiệu do giáo viên của dự án giảng dạy. Từ đó tôi và các em đã làm việc và trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu rất tốt. Sau khi cô, trò hiểu nhau và không còn "rào cản về ngôn ngữ" nên việc trao đổi cuộc sống, công việc đã được nhiều thuận lợi hơn. Những lúc giải lao chị còn dạy cho các em múa hát, khi xã có giao lưu văn nghệ chị đều đăng ký để các em được biểu diễn trước đông đảo khán giả, đây cũng chính là cơ hội để các em tự tin hơn trong cuộc sống. Mỗi lần các em lên sâu khấu múa hát hoặc biểu diễn thời trang do chính cơ sở thiết kế thì cả hội trường đều cổ vũ nhiệt tình và không hết lời khen ngợi. Chị Sáu xúc động kể lại "lúc ấy nhìn gương mặt của các em rất vui sướng, rạng rỡ, mọi mệt mỏi của tôi cũng dường như tan biến hết". Ngoài công việc, chị Sáu cũng luôn dành thời gian để tâm sự, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các em khuyết tật. Chị coi các em như người trong gia đình. Mỗi khi các em ốm đau, hay gia đình có việc gì khó khăn chị đều đến thăm hỏi, động viên. Vài tháng chị lại mua cho mỗi em một mảnh vải để các em tự may quần áo cho mình hoặc người nhà, tuy trị giá không lớn nhưng là sự động viên đúng lúc nên các em rất tích cực học nghề và gắn bó với "cô giáo". Trong nhà chị lúc nào người ta cũng nghe thấy tiếng cười đùa vui vẻ của các em khuyết tật. Các em đã không còn cảm thấy mặc cảm, tự ti như trước bởi ở đây các em được sinh hoạt tập thể, có những hoạt động gần gũi với cộng đồng và được sống trong tình yêu thương của người mẹ, người chị, người giáo viên đầy lòng nhân ái Dương Thị Sáu. Khi tôi hỏi: Làm sao chị có thể kiên trì dạy các em khuyết tật một công việc mà đòi hỏi phải tỉ mỷ và óc sáng tạo phong phú như vậy, chị Sáu nói: "Tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Nhiều lúc dạy các em nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà các em vẫn không hiểu, rồi lại làm hỏng máy, hỏng vải, nhiều khi tôi bực mình và cảm thấy bất lực. Nhưng mỗi khi nản trí tôi lại nghĩ các em đã bị chịu nhiều thiệt thòi, mình phải làm cách nào cho các em bớt thiệt thòi hơn. Tôi nghĩ, nếu dạy các em mà tính toán thiệt hơn, không kiên trì và không có tình thương thì sẽ không thể thành công".
"Hôm nay tôi có thể vui mừng vì hàng ngày các em đã làm ra những sản phẩm hoàn thiện, không bị sai sót, tạo được lòng tin với khách hàng."- Chị Sáu đã tâm sự như thế. Hiện nay, công việc của cơ sở may cũng ngày càng nhiều lên. Lương của một người làm việc chính thức khoảng 800-900 ngàn đồng, lương học việc được 300 ngàn đồng. Vừa qua, tin vui đã đến với cơ sở may của chị Sáu. Cơ sở đã chính thức được trở thành hội viên của Hiệp hội sản xuất kinh doanh người tàn tật.
Đối với người khuyết tật, tuy bước đầu tham gia lao động thực sự để tự nuôi sống bản thân thì còn gặp rất nhiều khó khăn và gian nan nhưng họ cũng đã cảm thấy tự hào vì mình cũng đã có được một nghề trong tay và một việc làm có thể nuôi bản thân, không phụ thuộc vào gia đình, đồng thời giúp các em nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Ước mong lớn nhất của chị Sáu hiện nay là nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền để chị nhận được nguồn hàng ổn định, tạo việc làm lâu dài cho các em khuyết tật.
Nguyễn Thơm