Toàn tỉnh hiện có 7 KCN đi vào hoạt động với 109 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 55.757 tỷ đồng. Trong đó có 79 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 44.322 tỷ đồng, 30 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 540 triệu USD, tương đương 11.435 tỷ đồng.
Hầu hết các dự án trong KCN đều sử dụng dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn. Một số dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã đi vào hoạt động, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, tạo nền móng cho ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình.
Đáng kể là Công ty TNHH Mcnex Vina tại KCN Phúc Sơn với công suất từ 100-150 triệu sản phẩm camera modul và linh kiện điện tử khác/năm; Công ty TNHH Beauty Surplus Intl Việt Nam tại KCN Khánh Phú, sản xuất thiết bị quang học, công suất 7,2 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH Electronics Việt Nam; Công ty TNHH YG Vina tại KCN Gián Khẩu sản xuất dây tai nghe điện thoại; Công ty TNHH Sanico Việt Nam sản xuất bản dẫn vi mạch; Công ty TNHH Goryo Việt Nam sản xuất núm tai nghe điện thoại tại CCN Gia Vân.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, đến nay tỉnh đã thu hút được 2 dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ: Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21 tại KCN Khánh Phú, Công ty cổ phần Sejung sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm tại CCN Cầu Yên.
Ngành công nghiệp hỗ trợ may mặc đã có một dự án nhà máy sợi của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình với sản phẩm sợi cọc, công suất 12.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 530 tỷ đồng. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, dự kiến sản lượng đạt 5.500 tấn.
Ngoài các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ chính, trên địa bàn tỉnh còn một số doanh nghiệp có hoạt động công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các vật tư, linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho hoạt động sản xuất của một số ngành như: Công ty TNHH giày Athena Việt Nam sản xuất đế giày, mũ giày cung cấp cho một số doanh nghiệp trong nước; Công ty TNHH Đổi Mới, Quang Minh sản xuất khung sắt sơn tĩnh điện phục vụ hàng thủ công mỹ nghệ; Công ty TNHH MTV cơ khí Đại Phú, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thành Nam... sản xuất vật liệu xây dựng bi, con lăn, máy nghiền, băng tải phục vụ cho sản xuất xi măng...
Tuy vậy, các doanh nghiệp đa phần có quy mô nhỏ và vừa, thực hiện việc gia công là chủ yếu nên gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, việc nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản phẩm xuất khẩu chưa nhiều; việc tiếp cận các chính sách tạo vốn về đầu tư cho nghiên cứu phát triển còn hạn chế. Công tác thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Giá trị gia tăng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại còn thấp.
Xác định rõ vai trò, vị trí của KH&CN là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội nên thời gian qua, Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế làm cơ sở, tạo hành lang pháp lý cho phát triển khoa học, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Công tác xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và công nghệ từng bước được đẩy mạnh, huy động được nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ,...
Hiện nay, tỉnh có 4 tổ chức khoa học và công nghệ công lập và 3 doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong đó có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là: Xí nghiệp cơ khí Quang Trung và Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình. Các dự án hỗ trợ phát triển công nghiệp đã hỗ trợ đổi mới công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.....
Khoa học công nghệ đã hỗ trợ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho nhiều doanh nghiệp, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước và hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp thiết thực, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và công nghiệp phụ trợ và cơ khí chế tạo nói riêng, thu hút các dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Để ngành công nghiệp Ninh Bình phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, các doanh nghiệp có hoạt động công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh từng nhóm sản phẩm hỗ trợ thích ứng như ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô, dệt may, linh kiện điện tử. Trong đó đặc biệt chú trọng các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, quy mô lớn...
Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế; thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.
Đồng thời tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được với nguồn vốn dài hạn cho đầu tư nghiên cứu và phát triển sản xuất. Khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ bằng sự hỗ trợ đặc biệt về vốn và những ưu đãi đặc biệt khác như về hạ tầng, thủ tục hành chính, về cung cấp nguồn nhân lực cần thiết...
Bài, ảnh: Bảo Yến