Đồng chí Nguyễn Duy Phong, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Theo báo cáo của các lực lượng chức năng, hiện nay nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã nâng cao ý thức, tự giác sử dụng các mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách để tự bảo vệ an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông.
Số người bị xử lý vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm và tỷ lệ trọng thương về não do tai nạn giao thông có chiều hướng giảm. Tình trạng kinh doanh mũ bảo hiểm giả, mũ không phải là mũ bảo hiểm nhưng có kiểu dáng tương tự mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy nhập lậu, mũ kém chất lượng đã được hạn chế.
Chị Lê Thị Hòa, phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) cho biết: Từ khi được tuyên truyền về cách sử dụng mũ bảo hiểm, tôi thấy việc đội mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn là rất quan trọng, vì vậy tôi và mọi người trong gia đình nghiêm chỉnh chấp hành, để bảo vệ chính mình, hạn chế thương tích nặng khi có tai nạn giao thông xảy ra.
Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các công ty sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm thực hiện chương trình đổi mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lấy mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng có trợ giá cho nhân dân trên địa bàn tỉnh với số lượng đạt trên 7 nghìn chiếc; cấp trên 5.000 mũ bảo hiểm và hướng dẫn cài quai đúng quy cách cho học sinh, sinh viên, người dân.
Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng mũ bảo hiểm, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã phối hợp thực hiện tuyên truyền nhiều nội dung về mũ bảo hiểm trên nhiều phương tiện thông tin như qua panô, qua hội nghị tập huấn "Tăng cường năng lực tuyên truyền thực hiện quy định của pháp luật về quy định đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn đối với người đi mô tô, xe máy", tuyên truyền lưu động và tổ chức thực hiện ký cam kết tại các trường học trên địa bàn, qua các cuộc thi về giao thông như "giao thông học đường", mô hình "cổng trường an toàn",... đã thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.
Để giải quyết triệt để tình trạng mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường, Chi cục Quản lý thị trường đã tăng cường bố trí lực lượng nắm chắc diễn biến thị trường để kiểm tra, kiểm soát đột xuất các cửa hàng, cùng với đó tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân biết cách phân biệt mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn.
Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã yêu cầu các cửa hàng chỉ được phép kinh doanh mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn và thực hiện rà soát, lập danh sách công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng 22 địa điểm cửa hàng bán mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn trên địa bàn để khuyến cáo người dân đến địa điểm tin cậy mua mũ bảo hiểm, tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng.
Bên cạnh đó, lực lượng công an đã tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông về việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Trong gần 5 năm qua đã xử lý gần 20.000 trường hợp người tham gia giao thông vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, trong đó riêng đợt cao điểm năm 2015, đã thực hiện 1.303 lượt nhắc nhở và 397 lượt xử lý vi phạm liên quan đến việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm trẻ em, phạt tiền gần 80 triệu đồng, tạm giữ 24 xe mô tô, gửi 263 thông báo về nhà trường và gia đình để giáo dục.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, nhất là các đối tượng là trẻ nhỏ trên 6 tuổi và số học sinh đi xe đạp điện; một số cửa hàng tự phát, bày bán tự do mũ bảo hiểm kém chất lượng trên các vỉa hè.
Vì vậy, trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về mũ bảo hiểm.
Bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam