Kết quả kiểm tra phân tích các sản phẩm thịt động vật của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh trong hai năm 2011 và 2012 cho thấy,
tuy không phát hiện mẫu thịt nào nhiễm kháng sinh, chất bảo quản, kim loại nặng và chất tạo nạc nhưng phần lớn lại có kết quả nhiễm vi sinh (Samonela, Saureus và E.coli) điều này chứng tỏ thịt đã bị ô nhiễm ở khâu giết mổ và bày bán. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm vi sinh vật đang có chiều hướng gia tăng, năm 2011 phân tích 20 mẫu thịt thì có 4 mẫu thịt nhiễm vi sinh vật (chiếm 20%), năm 2012 phân tích 54 mẫu thịt thì có tới 17 mẫu nhiễm vi sinh vật (chiếm 31%, tăng 11% so với năm 2011).
Theo quy định, cơ sở giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật phải có đủ các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh Thú y và các điều kiện về địa điểm, nhà xưởng, trang thiết bị như: phải cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, đường giao thông chính và các nguồn lây ô nhiễm, không bị úng ngập, có tường bao quanh, có cổng riêng để xuất nhập động vật, sản phẩm động vật; khu cách ly động vật ốm, khu xử lý sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Các cơ sở giết mổ phải có phòng kiểm tra, xét nghiệm mẫu, nơi kiểm tra thú y; có hệ thống xử lý nước thải, chất thải động vật phù hợp với công suất giết mổ, sơ chế. Nước thải, chất thải sau xử lý phải đạt chuẩn vệ sinh trước khi thải ra môi trường. Nhà xưởng phải chống được bụi và sự xâm nhập của các loại động vật gây hại, thuận tiện cho việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Trang thiết bị dụng cụ dùng trong giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật phải làm bằng vật liệu không gỉ, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc...
Tuy nhiên thực tế hiện nay, hầu hết các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh đều chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn trên. 3 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại điểm giết mổ lợn của gia đình chị X nằm ngay trong khu dân cư tổ dân phố 24, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp. Khuôn viên khu giết mổ của gia đình chỉ rộng vài m2 rất chật chội. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, gia đình chị X đang giết mổ 2 con lợn, thịt lợn, lòng lợn vứt tràn lan ngay dưới nền sân; phụ phẩm giết mổ, lông, phân lợn được tuồn xuống hố ga do gia đình tự xây.
Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tương tự như của gia đình chị X, trong đó 40 cơ sở giết mổ trâu, bò; lợn 1.000 cơ sở; chó 100 cơ sở; dê 40 cơ sở. Hầu hết các cơ sở này đều tự phát, nhỏ lẻ tại hộ gia đình, diện tích chật hẹp, không có khu nuôi nhốt riêng, nơi giết mổ không có phân biệt khu sạch, khu bẩn, không có biện pháp xử lý mà xả đổ chất thải, nước thải thoát ra cống rãnh công cộng hoặc chứa đựng tạm thời trong bể. Công tác vệ sinh bằng quét dọn, không phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ.
Đặc biệt, nguồn nước trong giết mổ chủ yếu là nước giếng, nước máy chứa sẵn trong các bể, thậm chí là nước suối, nước ao hồ. Qua phân tích 40 mẫu nước (20 mẫu ở thị xã Tam Điệp, 20 mẫu ở thành phố Ninh Bình) cho thấy, nước nhiễm vi khuẩn hiếu khí không đạt tiêu chuẩn từ 70-80%, nước nhiễm vi khuẩn E.coli không đạt tiêu chuẩn 75-85%. Thêm vào đó, 100% cơ sở đều sử dụng khăn lau bằng các loại vải sợi sau sử dụng để lau sản phẩm thịt sau khi giết mổ, số lượng vải sợi đó lại được sử dụng lại cho lần giết mổ sau. Trung bình một ngày, các cơ sở này giết mổ trên 1.500 con gia súc, tương ứng với đó là khoảng 1.300 gian hàng, sập hàng bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tươi sống mà phần lớn đều chưa đảm bảo vệ sinh.
Ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh các sản phẩm thịt trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra hoạt động của các cơ sở giết mổ, lưu thông, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm nhằm từng bước đưa hoạt động này đi vào nề nếp, hạn chế dịch bệnh và cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Nhìn chung, nhận thức về việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của người tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm có bước chuyển biến tốt, chủ cơ sở chủ động đăng ký, tổ chức và tham dự các lớp tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến điều kiện sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng. Một số cơ sở giết mổ có khu vực giết mổ, khu nuôi lưu và khu bày bán thịt riêng, có biển hiệu địa chỉ rõ ràng, có bảng niêm yết giá. Nền tường khu giết mổ được ốp gạch cẩn thận, dễ làm vệ sinh; sử dụng nước máy trong giết mổ. Qua việc lấy mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt tươi sống nhằm giám sát dư lượng các chất cấm cho thấy, người chăn nuôi có ý thức trong việc không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều điểm giết mổ sử dụng khuôn viên của gia đình nên các yêu cầu về điều kiện sản xuất chưa đảm bảo. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu vực giết mổ chưa được quan tâm đúng mức, việc bố trí hoạt động giết mổ chưa theo nguyên tắc một chiều, dễ lây nhiễm chéo. Trang thiết bị, dụng cụ giết mổ, dụng cụ chứa thành phẩm của các cơ sở giết mổ phần lớn không chuyên dùng, không được vệ sinh thường xuyên. Còn tại các cơ sở kinh doanh thịt tươi sống thì vẫn phổ biến tình trạng "3 không" là không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm thịt không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.
Trước việc nhiều cơ sở giết mổ gia súc không thực hiện đúng quy định, Chi cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT có biện pháp xử lý phù hợp đối với các cơ sở giết mổ gia súc vi phạm và không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, quản lý đàn; định hướng quy hoạch cơ sở giết mổ nhằm tập trung giết mổ với mục tiêu đặt ra là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu