Trong xu thế đó, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các trang thông tin điện tử (TTĐT) phục vụ hành chính công hay quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Có thể thấy rằng, lợi ích của các trang TTĐT là rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bởi đó là một kênh giao tiếp thuận lợi giữa cơ quan Nhà nước với người dân. Đây cũng là phương tiện hữu ích trong việc phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, doanh nghiệp (DN), giúp việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Mặt khác, các DN trên địa bàn tỉnh có thể sử dụng các trang TTĐT để quảng bá về doanh nghiệp, sản phẩm. Đặc biệt là để khẳng định sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa của DN, đồng thời tham khảo thêm các thông tin về giá cả giao dịch sản phẩm trên thị trường trong nước và thế giới, thực hiện các giao dịch thương mại điện tử...
Tuy nhiên, bên cạnh gia tăng không ngừng về số lượng thì chất lượng các trang TTĐT của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Trước hết về nội dung, các trang TTĐT nhiều tin tức, sự kiện giống như báo điện tử mà ít chú ý đến việc phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực đang quản lý. Một số đơn vị chậm cập nhật thông tin mới, thiết kế giao diện chưa khoa học, còn thiếu nhiều mục thông tin bắt buộc phải đăng theo quy định, tên miền của các trang chưa thống nhất nên độc giả khó tra cứu. Đối với trang TTĐT của các DN thì chủ yếu chỉ dừng lại ở quảng bá sản phẩm, không có cập nhật về thông tin sản phẩm, chỉ dẫn địa lý...
Bên cạnh đó, một số trang TTĐT còn thường xuyên mắc các lỗi như: Không được phép nhưng vẫn viết tin, đưa tin, thậm chí đưa cả các tin giật gân, câu khách..., làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Ninh Bình, một trung tâm du lịch của cả nước. Vì vậy, cùng với việc tận dụng lợi thế to lớn, thì vấn đề quản lý hoạt động của các trang TTĐT ngày càng trở nên cấp thiết. Mặc dù trong thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện một số biện pháp nhằm quản lý hoạt động của các trang TTĐT nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, trong khi chế tài lại chưa đủ sức răn đe.
Để quản lý tốt hoạt động của các trang TTĐT, Sở Thông tin và Truyền thông cần tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc, giám sát về nội dung và dịch vụ công của các đơn vị tích hợp vào trang TTĐT, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mỗi cơ quan, đơn vị phải tuân thủ các quy định về quản lý, vận hành, sử dụng các trang TTĐT theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phải nêu đầy đủ trên trang chủ các thông tin như: Tên của tổ chức quản lý trang TTĐT; địa chỉ địa lý, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung. Mặt khác, cần tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác biên tập, công bố danh mục tên trang web của các cơ quan, đơn vị để người dân, DN dễ tra cứu… Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước với các biện pháp hành chính, kỹ thuật nhằm đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của các trang TTĐT cũng nên tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người khi tiếp cận với thông tin trên mạng Internet.
Quốc Khang